Điện mặt trời có thực sự “sạch”?

Mặc dù là nguồn năng lượng sạch do quá trình vận hành không gây tác động đến môi trường, tuy nhiên, quá trình sản xuất cũng như việc xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời (NLMT) khi hết hạn sử dụng lại có nguy cơ đe dọa đến môi trường sống.

Theo thống kê của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), tính đến tháng 7/2017, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư tại các tỉnh Đắk Lắk, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, với tổng công suất lên tới 17.000 MW. Mặc dù điện mặt trời được coi là nguồn năng lượng sạch, cần khuyến khích phát triển, bởi trong quá trình vận hành gần như không tác động đến môi trường, nhưng các chuyên gia về năng lượng cũng khuyến cáo, thực tế ở các nước trên thế giới cho thấy, nguồn năng lượng này cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.

Cụ thể, quá trình sản xuất pin NLMT còn tạo ra khí NF3 (Nitơ Trifluoride). Mặc dù đã bị triệt tiêu phần lớn trong quá trình sử dụng, nhưng một lượng nhỏ NF3 vẫn lọt vào khí quyển. Khi NF3 kết hợp với CO2 sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Bên cạnh đó, việc xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi hết tuổi thọ cũng là một vấn đề nan giải. Nếu không được xử lý kịp thời, chất thải từ các tấm pin này sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường sống, bởi một tấm pin NLMT chứa rất nhiều kim loại như chì, đồng, nhôm, silicon… Đáng nói, việc tái chế pin năng lượng mặt trời cũng vô cùng khó khăn, tốn kém. 

Còn PGS. TS. Phạm Hoàng Lương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc lựa chọn công nghệ nói chung, công nghệ sản xuất năng lượng mặt trời nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả kinh tế, kỹ thuật của công nghệ đó và quan trọng là phải “đánh giá chu trình vòng đời của công nghệ”. Có như vậy mới đánh giá hết được những tác động môi trường mà công nghệ đó mang lại.

Cũng theo TS Lương “NLMT là nguồn năng lượng sạch so với các nguồn năng lượng truyền thống khác, tuy nhiên, cần phải đánh giá được những tác động môi trường, đặc biệt là việc thu hồi các chất thải sau khi những tấm pin này hết hạn sử dụng. Việc này phải đặc biệt quan tâm và phải lượng hóa được những tác động môi trường để trên cơ sở đó đưa được những cơ chế chính sách, có những giải pháp phù hợp ngay từ đầu.” 

Tin tưởng vào xu hướng phát triển của công nghệ điện mặt trời, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, tuổi thọ của các tấm pin NLMT là khá dài (từ 15-20 năm), theo đó việc phát triển công nghệ trong tương lai sẽ cho những khả năng xử lý hiệu quả, thậm chí có thể tái sử dụng những tấm pin mặt trời khi hết hạn. Trước mắt, chúng ta cần phải tính tới việc bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm này để nâng cao tuổi thọ những tấm pin NLMT trời hiện hữu.

Được biết, để hạn chế tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất pin mặt trời, tại Châu Âu, một số công ty đã chế tạo được dây chuyền công nghệ cho phép thu hồi hơn 90% số lượng vật liệu độc hại trong pin NLMT. Tuy giá cả của công nghệ này còn khá cao, nhưng cũng giúp các nhà đầu tư có thêm sự lựa chọn hợp lý, giúp tránh được nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ điện mặt trời. 


  • 09/11/2017 03:11
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 34355