Điện mùa hè ở Thủ đô: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội, tổng sản lượng điện tiêu thụ trong 4 tháng (tính từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2016), sẽ tăng lên khoảng 6,7 tỷ kWh, cao hơn so với mức 5,6 tỷ kWh của năm 2015. Việc đảm bảo điện ở Thủ đô trong mùa hè là không dễ dàng...

Chủ động đối mặt

Làm việc với ông Hoàng Minh Thủy, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông (PC Hà Đông) trong những ngày đầu tháng 5, mới cảm nhận rõ rệt sự lo lắng, áp lực của cán bộ nhân viên Công ty trong đảm bảo điện mùa hè. Hiện, nhu cầu sử dụng điện ở Hà Đông trong tháng 5 đã tăng 50% so với tháng 4. Do vậy, việc dự đoán nhu cầu phụ tải ở Hà Đông là hết sức khó khăn. Để đối phó với diễn biến tăng phụ tải, ở thời điểm này, PC Hà Đông đang tăng cường công tác quản lý vận hành, rà soát kiểm tra định kỳ ngày đêm trên tất cả đường dây, trạm biến áp trên địa bàn.

Nhấn mạnh về việc đảm bảo điện trong những ngày nắng nóng cao điểm, ông Hoàng Minh Thủy cho biết: "Với những ngày thời tiết từ 36 độ C trở lên, PC Hà Đông sẽ tổ chức trực tăng cường 50% quân số bao gồm cả lãnh đạo Công ty, để sẵn sàng xử lý sự cố phát sinh. Khi các trạm biến áp có dấu hiệu quá tải, công ty sẽ có phương án thay thế trạm mới, kéo dây tăng cường để đảm bảo cấp điện liên tục, an toàn trong mùa hè. Đây là một nhiệm vụ nặng nề và rất khó khăn nhưng anh em trong đơn vị đã lên tinh thần chủ động đối mặt với áp lực".

Công nhân kiểm tra các thông số kỹ thuật thiết bị của trạm biến áp

Để đối phó với việc mất điện do quá tải đường dây trạm biến áp trong quá trình vận hành đảm bảo điện mùa hè này, Công ty Điện lực Đống Đa (PC Đống Đa) đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có việc thực hiện sử dụng máy chụp ảnh nhiệt độ tại vị trí mối nối trên đường dây để phát hiện quá tải. Cùng với giải pháp trên, trong những ngày thời tiết nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, PC Đống Đa còn bố trí lực lượng tiến hành đo công suất sử dụng điện tại các khu vực để kịp thời cân đảo pha, giúp lưới điện hoạt động đều và ổn định, hạn chế mất điện mùa hè trên địa bàn.

Bên cạnh việc áp dụng những giải pháp kỹ thuật, nhiều công ty điện lực quận, huyện trên địa bàn Hà Nội coi tuyên truyền là biện pháp hiệu quả giảm áp lực gia tăng lượng điện năng tiêu thụ những ngày nắng nóng.

Cách thức tuyên truyền cũng được đổi mới, sáng tạo. Đó là cứ vào giờ cao điểm, một số công ty điện lực, cho nhân viên dùng xe máy chở loa nén đến các phố nhỏ, ngõ nhỏ thông tin về việc sử dụng điện tiết kiệm, khuyến cáo người dân tránh sử dụng cùng lúc các thiết bị hao tổn điện năng lớn, tắt bớt điều hòa, bóng đèn… Nhờ cách nhắc nhở trực tiếp này, góp phần tiết kiệm đáng kể điện năng trên một số địa bàn, khu vực nội đô.

Chung tay tiết kiệm điện

Cho dù ngành Điện Thủ đô có xây dựng kịch bản kỹ lưỡng đảm bảo điện mùa hè đến mấy thì nguy cơ thiếu điện, mất điện do quá tải trạm biến áp, đường dây vẫn có thể xảy ra.

Để hạn chế ở mức thấp nhất việc gián đoạn cấp điện trong sinh soạt, sản xuất vẫn rất cần ý thức chung tay của cả cộng đồng, bằng cách sử dụng điện tiết kiệm, khoa học cũng sẽ góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng, đảm bảo điện ở Thủ đô mùa hè năm nay.

Phó Tổng giám đốc EVNHANOI - Nguyễn Danh Duyên cho biết, vai trò của người dân rất quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện mùa hè ở Hà Nội. Mỗi người dân có ý thức tiết kiệm điện, chung tay cùng ngành điện Thủ đô bằng cách hạn chế sử dụng các thiết bị điện không cần thiết, vào khoảng thời gian cao điểm trưa (10 - 12 giờ) và cao điểm tối (từ 20 - 0 giờ) để góp phần giảm áp lực cung ứng điện.

Để người dân nâng cao ý thức, EVN Hà Nội đã tổ chức phát sổ tay tư vấn tiết kiệm điện tới đông đảo người dân, dán pano tiết kiệm điện ở nhiều tuyến phố chính, tổ chức tuyên truyền ý thức tiết kiệm điện ở nhiều trường học...

“Chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn bộ các đơn vị trong tổng công ty, cùng ý thức tiết kiệm điện của người dân Thủ đô ngày càng nâng lên, lưới điện của Hà Nội năm 2016 đủ năng lực cấp điện ổn định, an toàn và liên tục trong mùa hè này", ông Nguyễn Danh Duyên nhận định.


  • 17/05/2016 09:17
  • Theo TTXVN
  • 7432