Điện về bản H'Mông

Bắt được nhã ý muốn đi bản để viết về cái điện vùng sâu, cái dự án mà bấy nhiêu năm nay chứa đựng đầy đủ cả “hỷ, nộ, ái, ố” của anh em làm điện Sơn La, Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La - Lê Quang Thái không 1 phút đắn đo:“Mời các vị đi Háng Đồng. Xem bản H’Mông, ngó điện H’Mông nó thế nào”. Để chuẩn bị chu đáo cho đoàn, tôi dặm đôi lời về lộ trình, Giám đốc Thái cười bí hiểm:“Tổng cộng 120 km tính từ Thành phố, các nhà báo cứ đi thì biết, đích thân Giám đốc Điện lực Bắc Yên và bác lái xe lão luyện nhất Công ty sẽ dẫn đường cho khỏi lạc”.

Tời  điện vượt núi

5h30 sáng, chiếc xe U oát đời 2006 đã đỗ xịch ở cửa khách sạn đón chúng tôi. Cung đường từ Thành phố Sơn La đi trung tâm huyện lị Bắc Yên quanh co, uốn lượn đẹp như trong phim Tây Du Ký. Bởi một bên là núi cao, một bên là những áng mây bồng bềnh, hư ảo trôi nhè nhẹ trên thượng nguồn Hồ Thủy điện Hòa Bình. Phong cảnh hữu tình khiến lòng tràn trề cảm xúc.

Biển chỉ báo Trung tâm huyện Bắc Yên không còn bao xa, hơn 90 km đã qua mà cung đường vẫn không mảy may khó nhọc. Một phóng viên trẻ trong đoàn “chém gió”: “Các anh thấy em người miền xuôi, nên dọa, chứ đường thế này ngồi xe cả tháng, đi hết các bản ở Sơn La chả vấn đề gì”. Giám đốc Điện lực Bắc Yên – Đặng Quốc Toản dáng người to lớn, mắt một mí, trông lầm lỳ, nhưng cười thì rất tươi, nhại câu “Hà Nội không vội được đâu” bằng câu: “Vùng cao Sơn La là đừng có vội!”.

Nụ cười chưa dứt trên môi của anh em trong đoàn bởi câu đùa của anh Toản thì đèo dốc ở đâu ập đến. Con đường to được thay bằng những khúc cua tay áo ngoằn ngoèo, be bé, thi thoảng một xe máy của hai anh chị người H’Mông ôm nhau chợt lao vèo từ khúc cua ra đường. Như chơi trò ú tim. Cả đoàn toát mồ hôi.

Qua Trung tâm huyện Bắc Yên chừng 7 - 8 km, qua vài khúc đèo ngoắt ngoéo thì thử thách thực sự bắt đầu. Con đường độc đạo dẫn vào xã Háng Đồng không thể gọi là đường, toàn đá hộc, một bên núi cao vút, một bên vực sâu hoắm ôm theo triền núi. Chiếc xe U oát vất vả nhảy chồm chồm, rung lắc, lùi tránh xe tải phía trước, rồi mệt lử, tỏa khói khét mù, chết máy đứ đừ. Trời lạnh mà bác tài chỉ mặc độc chiếc áo cộc tay vẫn mồ hôi lấm tấm. Còn cả đoàn không ai nghĩ đến làm thơ nữa mà chỉ có giật thon thót mỗi khi xe lao vào đám bùn lầy nhão nhoét, hay thở phào sau mỗi bận xe rê bánh lật trật chực rơi khỏi bờ vực. Ai cũng căng thẳng, chăm chăm bám chắc vào thành xe. Mấy cậu phóng viên trẻ, ít kinh nghiệm đường trường thì nôn nao, sợ hãi, gồng mình tê tái qua mỗi khúc cua, đổ dốc mạo hiểm...

Con đường vào xã Háng Đồng xa xôi, cách trở nhưng không làm nhụt chí người làm điện Sơn La. Ảnh: Vũ Lam

Câu chuyện giữa chúng tôi và anh Bùi Xuân Sơn – nhân viên Công ty Điện lực Sơn La, được phân công trực tiếp giám sát, quản lý Dự án đưa điện về Háng Đồng bị ngắt quãng nhiều lần bởi những cái xóc nảy người.  Anh Sơn chia sẻ: “Để đưa điện về Háng Đồng, chúng tôi phải xây dựng mới trên 20 km đường dây 35 kV, 5 trạm biến áp 35kV/0,4kV và gần 15 km đường dây 0,4 kV. Ở trên này, thời tiết khắc nghiệt, hễ trời mưa là sạt đường, lở núi. Những cây cột điện nối nguồn sáng lên với bà con trông sừng sững là thế, nhưng “số phận” cũng mỏng manh lắm, chả biết thế nào, một cơn mưa lớn  sạt núi là có thể vùi lấp cả cột”.

“Thế thì thi công vất vả lắm anh nhỉ?” - Câu hỏi của chúng tôi chạm đúng chỗ ngứa nghề của anh Sơn: “Vất vả thì khỏi nói rồi. Lúc trời mưa gió, bão lốc thì công nhân không thể thi công được, chỉ có nước ngồi trong lán, co ro hút thuốc lào vặt chờ trời tạnh. Nhưng ngay cả ngày thường, việc thi công cũng không khả quan hơn. Vùng “Bắc Yên sương giăng kín lối”, sương mù dày đặc đến tận 9 -10 giờ sáng, chiều 3 - 4 giờ, lại sương phủ khắp nơi, nên cả ngày anh em công nhân cũng chỉ tập trung làm được 5 - 6 tiếng đồng hồ. Muốn vội, muốn nhanh cũng không thể được.

Thực tế, để kéo được trên 20 km đường dây 35 kV, người làm điện phải mất 1 năm trời mới xong. Công nhân phải kéo cột lên dốc, xuống đèo. Có vị trí cột nằm tít trên đỉnh núi, đơn vị thi công phải huy động hết quân số, đồng thời nhờ bà con trong bản giúp sức mới dùng máy tời, tời từng đoạn một để cột điện vào được vị trí. Có nhiều vị trí cột loay hoay dựng mất đứt 1 ngày trời.

“Thế đường sá thế này, xe chở cột vào kiểu gì hả anh”, anh Sơn cười, giá mà các nhà báo được tận mắt chiêm ngưỡng những “con quái vật” ấy nhỉ! Những chiếc xe tải chở cột xi măng đến điểm thi công được anh Sơn gọi là những con quái vật. Bởi để có thể thực hiện nhiệm vụ, xe cần “độ” lại toàn bộ cho phù hợp với thực tế công trình. Bao nhiêu vỏ thùng phải tháo hết, chỉ còn trơ lại khung sắt để tiện néo cột, buộc thêm ít cát, ít xi trông không giống cái gì. Ấy vậy mà, chỉ sau vài chuyến công tác, máy móc thì rệu rã, lốp xe thì bong tróc “ghẻ lở” bởi “nhá” phải đá hộc và sạt vào thành đường hẹp... Các nhà thầu “kêu như cháy đồi” vì xót xe quá.

Chiếc xe U oát năm lần bảy lượt chết máy phải khởi động lại và 3 tiếng đồng hồ vừa bò, vừa chồm, lắc lư không dứt mới đi hết được cung đường 30 km từ Trung tâm huyện lị Bắc Yên đến xã Háng Đồng. “Đúng là phải tận mắt chứng kiến mới thấy được việc đưa điện về với Háng Đồng vất vả như thế nào!”

Điện về mang tới tivi màn hình phẳng và đèn sáng cho con trẻ học hành. Ảnh: Vũ Lam

Thắp sáng bản vùng cao

Chủ tịch UBND xã Háng Đồng - Mùa A Vàng tiếp chúng tôi tại trụ sở Ủy ban Xã trên lưng chừng đồi. Biết có khách, anh diện một bộ quần áo H’Mông chính hiệu còn mới, rất đẹp, vui mừng kể: “Chắc chắn bà con dân tộc H’Mông ở Háng Đồng năm nay sẽ ăn Tết với niềm vui nhân lên gấp bội, Tết sẽ to hơn, nhà nhà sẽ vui hơn”. Rồi anh xăm xắn dẫn đoàn nhà báo chúng tôi đến nhà người dân và trường học trong bản Háng Đồng A, xã Háng Đồng để khoe điện về đã mang tới ti vi màn hình phẳng và đèn compact sáng trưng cho con trẻ học hành ra sao.

Vừa đi, anh Mùa A Vàng vừa chia sẻ: Háng Đồng là địa phương khó khăn nhất của tỉnh Sơn La với 100% đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống. Hầu hết các hộ dân trong xã đều là hộ nghèo, cuộc sống chủ yếu trông vào cây ngô, cây sắn. Háng Đồng cũng là xã cuối cùng có điện lưới quốc gia trong tỉnh Sơn La (từ tháng 7/2013). Giải thích vì sao điện lại có chậm như thế, anh Vàng chia sẻ: “Thì đường sá xa xôi, khó khăn là vậy làm sao mà kéo điện được…”. Sống chung với cái đói, cái nghèo, mơ ước lớn nhất bà con nơi đây là có điện thắp sáng. Đến nay, ước mơ của người dân đã trở thành hiện thực. Bà con không biết giá trị của nó là bao nhiêu, nhưng họ hiểu công sức Nhà nước, ngành Điện bỏ ra để kéo điện về tới thôn, bản là rất lớn, không biết lấy gì để trả ơn.

Với anh Thào A Trông, thôn Háng Đồng A, máy thủy điện nhỏ đã gắn bó với gia đình anh nhiều năm nay, giờ đây đã trở thành quá khứ. Điện lưới quốc gia đã kéo về đến tận nhà. Anh nói: “Trước kia, hàng ngày tôi mang máy phát đó đặt ở ngang suối, nhưng điện phập phù lắm, mỗi ngày chỉ dùng được 2 tiếng vào buổi tối thắp bóng điện cả nhà ăn cơm thôi. Bây giờ có điện lưới quốc gia rồi, gia đình tôi sắm tivi màn hình phẳng, có cả nồi cơm điện nấu ăn khỏi bụi khói... Cuộc sống thay đổi nhiều lắm”.

Với chị Mùa Thị Dê, việc có điện lưới quốc gia được cấp đến bản với dòng điện khỏe và ổn định, hệ thống điện tối thiểu trong nhà với dây, ổ cắm, đèn compact được ngành Điện lắp đặt miễn phí đã giúp chị có thêm thời gian bảo ban con cái học hành vào buổi tối. Chi phí dùng điện cũng không đắt bởi trước đây dùng đèn dầu mỗi tháng nhà chị cũng mất dăm bảy chục nghìn, giờ đây dùng điện cũng hết có vậy thôi nhưng sáng sủa và đơn giản hơn nhiều lần. Chị tâm sự: “Không có điện thì không chỉ đói nghèo mà còn lạc hậu nữa. Muốn có cái máy tẽ ngô, xát thóc, muốn xem thông tin thời sự... nhưng không có điện, nên đành đi ngủ sớm. Giờ có điện rồi, các cháu tự giác, chăm chỉ học hành hơn”.

Hệ thống máy tính được trang bị cho trụ sở xã Háng Đồng. Ảnh: Vũ Lam

Tương lai phía trước

Trao đổi với chúng tôi, ông Mùa A Vàng, Chủ tịch UBND xã khẳng định: Kể từ khi có điện, cuộc sống của bà con trong xã đã thay đổi. Hệ thống máy tính được trang bị cho trụ sở xã, có cả máy tính xách tay, còn nhà dân thì nhiều bà con đã dành dụm tiền mua ti vi, nồi cơm điện, có hộ sắm cả tủ lạnh, có máy xay xát… Cuộc sống đã văn minh hơn. Bà con qua đài, ti vi đã được tiếp cận với kinh nghiệm sản xuất để từng bước thay đổi tập quán canh tác, phát triển chăn nuôi. Chắc chỉ vài năm nữa Háng Đồng sẽ thoát nghèo thôi.

Những thầy, cô giáo đang dạy học tại Háng Đồng cũng hy vọng, thế hệ tương lai của đất nước làm được nhiều hơn những gì mà bố mẹ các em đang làm. “Có điện rồi, tôi thấy các cháu chăm chỉ học bài hơn, lực học tiến bộ hơn nhiều”, thầy giáo Thào A Vư – Giáo viên Trường THCS Háng Đồng bộc bạch.

Chia tay những người dân hồn hậu ở Háng Đồng, trên đường trở lại thành phố Sơn La, Giám đốc Điện lực Bắc Yên – Đặng Quốc Toản báo cho chúng tôi tin vui, đó là con đường từ thị trấn Bắc Yên đến xã Háng Đồng không bao lâu nữa sẽ hoàn thành nâng cấp, mở rộng. Đường sá thuận lợi là cơ hội để anh em Điện lực Bắc Yên bớt đi vất vả trong công tác vận hành, kịp thời khắc phục sự cố đảm bảo dòng điện thông suốt cho bà con người H’Mông nơi đây yên tâm sản xuất phát triển đời sống. Niềm vui trong lòng khiến cảm giác “ớn lạnh“ phải vượt qua con đường đầy đá hộc bớt đi. Bên triền núi, những vạt hoa cải báo hiệu mùa xuân đang tới, mang theo niềm tin và hy vọng về một năm Giáp Ngọ nhiều đổi mới và thành công…

Theo ông Phạm Văn Long- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La: Đến nay, sau hơn 1 năm kể từ thời điểm khởi công dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La (tháng 5/2012), Công ty Điện lực Sơn La đã cấp điện đến 100% số xã trong tỉnh (trong đó 3 xã cuối cùng được cấp điện là Háng Đồng, Hua Nhàn (huyện Bắc Yên); Tân Xuân (huyện Mộc Châu). Năm 2015, kết thúc dự án, sẽ có 557 bản với tổng số hơn 3 vạn hộ dân đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La được sử dụng điện lưới quốc gia.

 


  • 31/01/2014 11:14
  • Theo TCĐL Chuyên đề QL&HN
  • 3173


Gửi nhận xét