Điều chỉnh giá bán điện và tiết kiệm điện: Thách thức và động lực

Nhiều doanh nghiệp và người dân khi nói về điều chỉnh giá bán điện đã bày tỏ: Tăng giá giá điện thì đúng là lo ngại vì tăng chi phí, nhưng đồng thời lại là động lực để họ tự điều chỉnh chi phí sao cho hợp lý.

Thay đổi thói quen, tạo lập ý thức

Vừa qua, gia đình chị Nguyễn Tuyết Nhung ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã đưa ra cả một kế hoạch nhằm tiết giảm chi phí. Gia đình chị có 5 người, trước đây, mỗi tháng tiền điện nhà chị từ 700.000 - 800.000 đồng. Sau khi điều chỉnh giá điện, nếu không tiết kiệm, mỗi tháng nhà chị sẽ phải chi thêm khoảng 200.000 đồng.  Vì thế, ngoài việc hạn chế dùng bàn là, bếp điện, máy sấy bát đĩa, máy sấy khô quần áo, giờ đây, dù rất bận chị vẫn tự tay lau khô các loại bát, đũa ăn, tránh dùng máy sấy khô như trước. Chị cũng thường xuyên nhắc các thành viên trong gia đình, giờ cao điểm tránh dùng nhiều thiết bị. Thậm chí các bóng đèn trang trí trong vườn tiểu cảnh cũng hạn chế sử dụng.

Cũng để tiết kiệm tiền điện, gia đình anh Phùng Văn Hiếu ở xóm 6, Cổ Nhuế, Từ Liêm (Hà Nội) đã thay một loạt các thiết bị dùng điện trong gia đình. Đầu tiên là thay thế bình nước nóng lạnh bằng hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời. Kế đến, hệ thống bóng đèn thì được thay bằng các loại bóng đèn LED, compact chất lượng cao, lại tiết kiệm điện năng tới 40% so với các loại đèn huỳnh quang, đèn tròn… “Gia đình tôi có tới 8 người, mỗi tháng tiền điện cũng mất gần 1,2 triệu. Như vậy, nếu mỗi thiết bị điện trong nhà được thay thế bằng sản phẩm tiết kiệm điện hợp lý, thì cuối tháng tính gộp lại cũng tiết kiệm được một khoản đáng kể”, anh Hiếu phân tích. Cũng theo anh Hiếu, chi phí ban đầu để thay thế các thiết bị tiết kiệm điện là khá cao, nhưng về lâu dài sẽ rất hiệu quả.

Sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện giúp giảm tiền điện hằng tháng  

Tương tự là gia đình chị Trần Ngọc Thúy ở Khương Trung, Thanh Xuân. Chị Thúy cho biết, ngoài việc thay thế các thiết bị “cổ điển” bằng thiết bị tiết kiệm điện năng, cách sử dụng điện sao cho hợp lý để tiết kiệm chi tiêu cũng được gia đình áp dụng. Nếu như trước, gia đình chị có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày, thì nay chỉ được bật trước khi tắm chừng 15 phút và được tắt ngay sau khi có đủ lượng nước dùng. Máy giặt cũng chỉ sử dụng khi quần áo được gom đủ với số cân quy định.

Đổi mới công nghệ - sự lựa chọn của các doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp xác định, đổi mới công nghệ là hướng đi bắt buộc khi giá điện đang được điều chỉnh đúng theo lộ trình. Ông Nguyễn Văn Biên - Trưởng Ban Kế hoạch và Kiểm soát chi phí, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết: Với suất tiêu thụ điện khoảng 15 kWh/tấn than, khi mức giá điện tăng 15,28% thì tổng giá thành than năm 2011 của Tập đoàn tăng thêm 100 tỷ đồng. Nhằm tiết kiệm năng lượng, hiện nay TKV đang áp dụng nhiều giải pháp bao gồm cải tạo hệ thống điều khiển của máy xúc EKG, đầu tư hệ thống quản lý giám sát điện năng tự động, sử dụng hợp lý biến tần…

Theo tính toán, tiềm năng tiết kiệm điện năng tại các doanh nghiệp của Tập đoàn rất lớn. Cụ thể là, tiềm năng tiết kiệm điện trung bình tại các mỏ hầm lò đạt 10,8%, tương đương tiết kiệm khoảng 31,5 tỷ đồng/năm, tại các mỏ lộ thiên là 14,7%/năm, tương đương tiết kiệm khoảng 19,8 tỷ đồng/năm, các đơn vị sàng tuyển 10,5%, tương đương tiết kiệm khoảng 6 tỷ đồng/năm… “Tập đoàn đang tích cực áp dụng nhiều giải pháp hơn nữa nhằm tiết kiệm điện ở mức tối đa” - ông Biên cho biết thêm.

Kỹ sư Nguyễn Thế Cường - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thạch Bàn Viglacera chia sẻ: “Chúng tôi đã tính trước việc điều chỉnh giá điện và doanh nghiệp đã thay đổi công nghệ từ cách đây 2 năm. Đến thời điểm này, cùng một lượng điện và các đầu vào khác, nhưng năng suất tăng lên 30%, phế liệu giảm 20%, chất lượng sản phẩm ổn định. Như thế là với công nghệ mới, Công ty chúng tôi tiết kiệm khá nhiều chi phí điện năng…”.

Tận dụng ánh sáng tự nhiên trong sản xuất công nghiệp tiết kiệm một phần điện năng tiêu thụ   

Một doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội cũng chia sẻ kinh nghiệm, doanh nghiệp này quyết định thay thế công nghệ đã sử dụng nhiều năm bằng công nghệ mới. Điều này đã giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn vượt ngoài mong đợi về giảm chi phí điện. Những đơn vị thuộc ngành Da - Giày cũng đã triệt để áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện bằng các hình thức thiết kế xây dựng các phân xưởng tận dụng tối đa ánh sáng trời, điều hành chi tiết về thời gian sử dụng các thiết bị điện, bố trí các thiết bị làm mát hoặc sưởi ấm tại các nơi cần thiết và vị trí đông người sản xuất…

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương, T.S Nguyễn Đình Hiệp cho rằng, bên cạnh việc tạo lập hành vi sử dụng tiết kiệm điện hằng ngày của doanh nghiệp, mấu chốt là các doanh nghiệp phải quyết tâm đổi mới công nghệ.

Lãng phí điện, sử dụng điện không hiệu quả có nguyên nhân lớn từ công nghệ lạc hậu. Nhưng cái lớn hơn ở phía sau việc đổi mới công nghệ hay tiết kiệm điện chính là tư duy của nhà quản lý, trình độ quản trị của doanh nghiệp. Thực tế đang đòi hỏi các nhà sản xuất cần có cái nhìn xa hơn và cương quyết hơn trong đổi mới công nghệ.


  • 19/07/2011 05:15
  • Tạp chí Điện lực số 3/2011
  • 6999