Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN
|
Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết cụ thể những yếu tố đầu vào nào tăng lên khiến EVN đề xuất tăng giá điện?
Ông Đinh Quang Tri: EVN đã tính toán các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí đầu vào sản xuất điện từ ngày 1/8/2013 (lần điều chỉnh giá điện gần đây nhất) đến ngày 31/1/2015 như sau: Các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện bao gồm: Giá dầu trong nước bình quân giảm làm giảm chi phí mua điện 219,2 tỷ đồng; giá dầu quốc tế bình quân giảm làm giảm chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện khí 1.366,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện lên tới 10.419 tỷ đồng bao gồm: Giá than làm tăng chi phí phát điện 4.485 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí trên bao tiêu (tính theo cơ chế thị trường bằng 0,46 giá dầu HFO quốc tế bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015) làm tăng chi phí phát điện 3.532,8 tỷ đồng; giá khí trong bao tiêu theo lộ trình làm tăng chi phí mua điện 557,1 tỷ đồng; tỷ giá bình quân tăng so với tỷ giá ngày 1/8/2013 làm chi phí mua điện tăng 105,6 tỷ đồng; thuế tài nguyên nước tăng từ 2% lên 4% làm chi phí phát điện tăng 1.590 tỷ đồng; giá chi phí tránh được năm 2015 tăng (áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) làm chi phí mua điện tăng 148,5 tỷ đồng.
Như vậy, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 8.833 tỷ đồng. Ngoài ra một số các khoản chi phí khác như: Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn 1.019,16 tỷ đồng; chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp; bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011, 2012 của các nhà máy đến 30 MW là 166,52 tỷ đồng… Khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2013 còn chưa phân bổ 8.811 tỷ đồng cũng khiến giá thành sản xuất điện tăng. Nếu tính toán đầy đủ chi phí phát sinh, giá điện phải tăng 12,8%. Trên cơ sở đảm bảo sự hài hòa giữa các lợi ích EVN đã kiến nghị tăng giá điện 9,5% để đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu khoảng 3%. Sau khi cân nhắc, Chính phủ đồng ý điều chỉnh tăng 7,5% và yêu cầu EVN tiếp tục nỗ lực đảm bảo chỉ tiêu tổn thất điện năng Chính phủ giao và đảm bảo tăng năng suất lao động.
PV: Với việc tăng giá điện lên tới 7,5% sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, thưa ông?
Ông Đinh Quang Tri: Mức tăng theo từng đối tượng, Bộ Công Thương sẽ có quy định cụ thể. Theo tính toán của chúng tôi, với mức tăng giá điện bình quân lên 7,5% thì chi phí tăng thêm cho mỗi gia đình sử dụng 50 kWh điện đầu tiên là 4.800 đồng/hộ gia đình/tháng. Còn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh tùy theo giá thành từng hộ tiêu thụ mà tăng từ 0,06 đến 0,6% tùy từng lĩnh vực.
PV: Sau đợt tăng giá điện lần này, liệu trong năm 2015 sẽ còn đợt tăng giá điện nào nữa không, thưa ông?
Ông Đinh Quang Tri: Theo quy định, giá điện bình quân trần tối đa đến 1.835đ/kWh, với việc tăng thêm 7,5% lần này, giá điện lên tới 87% thông số trần. Theo Quyết định 69/2013/QĐ-TTg (ngày 19/11/2013) của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, theo đó nếu các thông số đầu vào biến động (có thể tăng hoặc giảm) EVN sẽ trình phương án tăng hoặc giảm tương ứng lên Bộ Công Thương hoặc Chính phủ. Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2015 các thông số đầu vào tương đối ổn định, tỷ giá dự kiến ổn định, giá khí đã có lộ trình nên điều chỉnh không nhiều, giá than chưa có thông báo tăng giá của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá than thế giới giảm nên khả năng TKV không tăng giá than thêm. Năm 2016 chúng tôi sẽ nhập khẩu than nên có sự cạnh tranh với giá than trong nước. Khi mà các thông số đầu vào không có biến động thì sẽ không điều chỉnh giá điện.
PV: Liệu giá truyền tải điện có được điều chỉnh không để nâng cao năng lực tài chính, cũng như tăng cường khả năng truyền tải điện cho hệ thống điện?
Ông Đinh Quang Tri: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia có chức năng độc quyền nhà nước về truyền tải điện. Hiện nay, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của EVNNPT cao, nhiều khoản vay của EVNNPT, EVN phải bảo lãnh, hiện phạm vi bảo lãnh đã hết (22.000 tỷ đồng) nên bài toán vốn của EVNNPT đang khó khăn. Để đảm bảo năng lực tài chính cho EVNNPT, khi tăng giá bán lẻ điện năng thì nhất thiết phải tăng phí truyền tải. Ngoài ra, tùy theo tình hình, EVN sẽ cân đối tăng vốn điều lệ cũng như tăng thêm nguồn vốn ODA cho EVNNPT để đảm bảo năng lực tài chính phục vụ công tác đầu tư xây dựng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Chiều 5/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ Công Thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015. Sau khi nghe các báo cáo, Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015.
Với việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu hoạt động SX-KD của EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); giành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của EVN, trong đó năm 2015 phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống 8%; nâng năng suất lao động toàn EVN trên 9%.
|