Ông Hồ Anh Hoàng, Đà Nẵng: Xin ông cho biết lý do tại sao thực hiện điều chỉnh giá điện vào ngày 20/12, mà không để sang đầu năm 2012?
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: Trong năm 2011, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Bộ Công Thương ban hành Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện quyết định trên. EVN đã tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh điện năm 2012, và cũng đã có kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010. Ngoài ra các tổ chức tín dụng và ngân hàng yêu cầu phải có điều chỉnh giá điện vào cuối năm 2011 để tăng năng lực tài chính của EVN. Nếu giá điện không điều chỉnh, một số tổ chức tín dụng thông báo sẽ dừng giải ngân các dự án đã ký hợp đồng vay vốn và không ký mới các khoản vay tiếp theo. Để giảm áp lực lạm phát theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, chúng tôi đã chọn giải pháp tối thiểu là tăng 5% vào thời điểm cuối năm. Và phương án này đã được Bộ Công Thương chấp thuận.
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri (ngồi giữa) trả lời phỏng vấn trực tuyến với người dân tại tòa soạn báo điện tử Vnxpress chiều 22/12/2011. Ảnh: Ngọc Thọ
|
Bạn đọc Nguyễn Thanh Bình, Bắc Ninh: Xin ông cho biết những cơ sở để tính giá điện, việc tăng giá điện 5% đã đáp ứng cho nghành điện bù đắp lỗ trong cung ứng điện chưa ?
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: Đợt điều chỉnh giá điện này được tính toán theo giá thành sản xuất kinh doanh điện dự tính cho năm 2012 đã được liên bộ Công Thương - Tài chính kiểm tra, rà soát. Một phần phí dịch vụ môi trường rừng của năm 2011 chưa được tính vào giá điện. Việc điều chỉnh giá lần này chưa tính phân bổ khoản chi phí phát sinh tăng thêm của khâu phát điện và mua điện giá cao năm 2010 do hạn hán (khoản lỗ SXKD điện năm 2010) và các khoản chênh lệch tỷ giá chưa phân bổ đến 31/12/2010, chưa phân bổ chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ năm 2010 trở về trước. Việc tăng giá điện 5%, chưa đáp ứng được các yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn và khả năng cân bằng để thanh toán tiền mua điện của các nhà máy điện độc lập do các doanh nghiệp ngoài EVN đầu tư.
Ông Lê Trùng Thăng, Đà Lạt: Xin hỏi vì sao không tiết giảm chi phí từ chính trong ngành Điện hay như có chiến lược khuyến khích các doanh nghiệp, hộ tiêu dùng sử dụng các thiết bị, công nghệ ít tiêu hao điện năng?
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: EVN đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, tuy nhiên các giải pháp này đòi hỏi các khoản đầu tư đồng bộ kèm theo. Ví dụ, muốn giảm tổn thất điện phải đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện. Chi phí tiền lương trong cơ cấu giá thành điện chiếm 5%, đồng thời việc vận hành an toàn hệ thống điện và cung cấp ổn định cho khách hàng đòi hỏi công nhân ngành Điện phải nỗ lực trong công tác. Nếu cắt giảm tiền lương thì không khuyến khích người lao động. Tôi rất đồng tình với bạn về việc thực hiện chiến lược khuyến khích các doanh nghiệp, hộ tiêu dùng sử dụng các thiết bị, công nghệ ít tiêu hao điện năng... Chúng tôi đã và vẫn đang liên tục thực hiện các chiến dịch này.
Điều chỉnh giá bán điện hiện tại là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất kinh doanh điện thực tế. Ảnh: Ngọc Thọ
|
Bạn Nguyễn Ngọc Diễm, TP HCM: Sao không tư nhân hoá điện để khỏi ai thắc mắc tăng giá hay giảm giá?
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: EVN muốn kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư điện, nhưng do giá điện còn thấp chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu tư nhân hóa ngành Điện thì cũng không khả thi trong bối cảnh hiện nay. Tôi hiểu là mọi người ai cũng mong muốn có đủ điện để dùng với mức giá rẻ. Nhưng điều đó không dễ dàng. Đây là một mục tiêu lâu dài đòi hỏi các đơn vị trong ngành Điện phải nỗ lực, đồng thời có sự hỗ trợ đắc lực của các khách hàng sử dụng điện.
Bạn đọc có email Vnthanhbaovn@yahoo.com hỏi: Chính phủ yêu cầu điện theo giá thị trường, thì ai sử dụng nhiều phải trả nhiều. Sao không điều chỉnh giá điện cho ngành thép và xi măng?
Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri: Năm 2010, hai ngành sản xuất tiêu tốn điện năng là sản xuất thép và xi măng tiêu thụ hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm (982 triệu kWh) nhưng giá điện phải trả chỉ có 914 đồng/kWh, trong khi giá thành sản xuất điện năm 2010 là 1.180 đồng/kWh. Ngành điện đã bao cấp chéo cho sản xuất thép, xi măng lên đến 2.547 tỉ đồng, trong đó các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất thép đã được bao cấp hơn 506 tỉ đồng, việc này EVN cũng đã có báo cáo với các Bộ ngành để xin điều chỉnh mức giá cho các ngành này cho phù hợp. Theo Quyết định số 268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/02/2011 quy định về biểu giá bán lẻ điện, quy định cụ các mức giá theo đối tượng và mục đích sử dụng điện tính theo tỷ lệ so với giá bán điện bình quân được duyệt, trong đó có quy định mức giá bán cho các ngành sản xuất bao gồm cả sắt, thép, xi măng (giờ bình thường = 84% giá bình quân, giờ thấp điểm = 51%, giờ cao điểm = 150%). Ngày 16/12/2011, Bộ Công Thương có công văn số 380/BCT-ĐTĐL cho phép EVN điều chỉnh giá bán điện bình quân là 1.304đ/kWh và qui định mức giá bán điện tại Thông tư số 42/2011/TT-BCT, trong đó Bộ Công Thương cũng đã cân nhắc tính toán điều chỉnh giá bán điện cho xi măng, sắt, thép tuy nhiên không được vượt phạm vi cho phép trong Quyết định 268 của Chính phủ. Trong thời gian tới, EVN vẫn tiếp tục kiến nghị đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét để có giá bán điện hợp lý cho các ngành sản xuất trong đó có thép và xi măng.
“Việc điều chỉnh giá điện là cần thiết phải làm và Chính phủ đã phê duyệt lộ trình thực hiện. Vì vậy, điều chỉnh 5% giá điện nằm trong lộ trình đó và đã được Chính phủ, các bộ ngành tính toán kỹ. EVN thực hiện đúng theo quy trình, thẩm quyền và đúng biên độ được điều chỉnh theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường.” - Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa. |