Điều chuyển công trình điện về EVN: Tối đa hóa lợi ích của tài sản công

Quyết định số 41/2017/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 41) quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/11 tới đây sẽ đảm bảo các công trình điện được quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên đúng chuyên môn, kỹ thuật cũng như tăng hiệu suất sử dụng tài sản, tối đa hóa lợi ích.

 Việc điều chuyển công trình điện sang EVN sẽ đảm bảo được quản lý, bảo dưỡng thường xuyên

Đảm bảo tính thống nhất trong quá trình điều chuyển

Thời gian qua, một số bộ, ngành (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế,...) và địa phương (Vĩnh Phúc, Sơn La, Hải Dương, Lào Cai...) đề nghị được điều chuyển các công trình điện (đường dây, trạm biến áp...) được hình thành trong quá trình đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sang cho ngành Điện quản lý. Lý do được đưa ra là các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập không có chuyên môn về vận hành, quản lý cũng như gặp rất nhiều khó khăn trong việc sửa chữa và bảo dưỡng thường xuyên hệ thống điện được đầu tư.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều công trình điện lực cấp điện áp từ 35 kV trở xuống (đường dây, trạm biến áp...) đã hoàn thành nghiệm thu, đóng điện vận hành của các chủ đầu tư (do địa phương hoặc bộ, ngành giao thực hiện đầu tư) phải tạm giao cho các đơn vị điện lực tại địa phương thuộc EVN vận hành bán điện cho nhân dân. Do các công trình này chưa phải là tài sản của EVN nên không có cơ sở để trích khấu hao, bảo dưỡng, sửa chữa khi có sự cố, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Từ bất cập này, tại cuộc họp về nội dung điều chuyển công trình điện dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng đã thống nhất với các bộ, ngành, địa phương về sự cần thiết của việc điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước cho EVN quản lý.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành của pháp luật chưa có quy định về trình tự, thủ tục điều chuyển tài sản nhà nước từ cơ quan, tổ chức, đơn vị sang doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã có QĐ 41 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện việc điều chuyển công trình điện.

Đơn vị có công trình điện chưa trả nợ hết sẽ không được điều chuyển

Theo quy định tại Luật Điện lực, việc đầu tư hệ thống điện thuộc trách nhiệm của ngành Điện; không phải trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng điện. Tuy nhiên, do nguồn vốn của ngành Điện có hạn nên chưa thể đầu tư kịp thời theo nhu cầu của người sử dụng, đặc biệt đối với một số trường hợp cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đầu tư xây dựng mới trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp. Vì vậy, trong các dự án đầu tư của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập thường có thêm hạng mục công trình điện phục vụ cho trụ sở (trạm biến áp, hệ thống đường dây...).

Việc điều chuyển công trình điện sang ngành Điện quản lý chủ yếu là để giải quyết các phát sinh trong quá trình triển khai thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cần phải có quy định để tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập khi lập dự án đầu tư, hạn chế việc vay vốn để đầu tư xây dựng công trình điện không hiệu quả, sau đó lại điều chuyển tài sản và chuyển nợ cho ngành Điện trả nợ. Bên cạnh đó, việc chuyển nợ cho ngành Điện sẽ làm tăng gánh nặng nợ cho ngành Điện trong khi ngành Điện không kiểm soát được các chi phí đầu tư xây dựng ban đầu.

Theo đó, tại QĐ 41 đã quy định rõ, chỉ thực hiện điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước. Với các công trình điện thuộc các cơ quan, tổ chức chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ sẽ không được điều chuyển.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, việc điều chuyển công trình điện phải được thực hiện theo phương thức ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại EVN theo giá trị công trình điện giao, nhận và không hoàn trả vốn. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có công trình điện bàn giao thực hiện ghi giảm tài sản, nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật.

Tại Quyết định này, EVN phải chỉ đạo và hướng dẫn các Tổng công ty Điện lực phối hợp với bên giao tổ chức tiếp nhận, quản lý vận hành công trình điện theo quy định. Định kỳ hàng năm (chậm nhất vào ngày 31/3) tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính về kết quả thực hiện giao, nhận công trình điện, giá trị tăng vốn, hoàn trả vốn của năm trước.


  • 09/10/2017 05:11
  • Theo thoibaotaichinhvietnam.vn
  • 11148