Ông Nghĩa cho biết, để sinh trưởng và phát triển, mỗi cây trồng phù hợp với từng loại ánh sáng khác nhau. Có cây cần ánh sáng màu xanh, có cây lại hợp với ánh sáng đỏ, cũng có cây sẽ hợp với một dải ánh sáng trung tính nào đó.
Người trồng cây điều chỉnh màu sắc đèn led phù hợp với từng thời kỳ của cây trồng. Ảnh: Hương Thu
|
"Việc thiếu ánh sáng cho cây trồng, quá trình quang hợp không diễn ra khiến cây tàn lụi, thậm chí gây ra mất mùa cho nông dân nếu đó là cây trồng có tính chất thương mại", ông Nghĩa nói.
Để hạn chế sự phụ thuộc của cây trồng vào ánh sáng mặt trời, dựa vào 3 màu cơ bản là đỏ, lam và lục, ông Nghĩa trộn tỷ lệ các màu, tăng giảm màu, cho ra các bước sáng hợp với loại cây.
“Tùy theo từng đối tượng là cây to cây nhỏ, hướng rộng, dài, người trồng sẽ điều chỉnh ánh sáng đèn phù hợp với giai đoạn phát triển của cây. Hay khi cây cần tinh bột, lúc cây cần thụ phấn... đều cần ánh sáng thích hợp”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, thiên tai diễn ra thường xuyên, nên việc sử dụng công nghệ trên là rất cần thiết, nhất là ở các nơi trồng thực vật với mục đích thương mại. Thay đổi tỷ lệ ánh sáng, cường độ chiếu sáng bằng cách đặt xa hay gần và thay đổi thời gian chiếu sáng cho cây, giúp nhà vườn tự điều chỉnh theo ý của họ, giảm chi phí, tạo ra sản phẩm cây trồng năng suất cao nhất.
Ông Nghĩa cho biết, trên thế giới, công nghệ này đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi. Cách đây vài năm ở Cu Ba để khắc phục tình trạng người dân chưa thu hoạch mía kịp, hoa bấc của mía nhiều sẽ khiến lượng đường trong mía giảm, Cu Ba huy động trực thăng quân đội bay bắn pháo sáng, kéo dài ngày cho thu hoạch muộn hơn, hãm bớt hoa bấc của mía để có lượng đường cao.
Ở Trung Quốc người ta thường nuôi cá chép trong ruộng lúa. Thời gian nước ở ruộng lúa hạn chế, vì thế muốn vòng quay sinh trưởng cá chép nhanh, người ta đã dùng ánh sáng vàng, làm cá chép đẻ và sinh trưởng hoàn toàn khi trọng lượng mỗi con chỉ 150 g, tạo ra hiệu suất cao nhất.
Nếu điều chỉnh ánh sáng của đèn led thích hợp, theo ông Nghĩa, có thể đào Nhật Tân sẽ không nở sớm như mọi năm. Ảnh: Hoàng Hà
|
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, nguyên Giám đốc Trung tâm tư vấn đèn tiết kiệm điện năng đánh giá cao sáng chế của ông Vi Toàn Nghĩa.
Tiến sĩ Khải cho biết thêm, trong quá trình phát triển của cây tùy vào thời kỳ mà nó cần ánh sáng màu như thế nào. Tận dụng tốt ánh sáng này, người trồng có thể rút ngắn thời gian sinh trưởng, nếu là hoa thì hoa đó sẽ sở hữu màu sắc đẹp nhất, khối lượng lớn và chất lượng tốt nhất.
Mặt khác, việc sử dụng đèn led có thể giúp tiết kiệm điện năng cho người sử dụng. Cụ thể, khi sử dụng nhiệt độ màu bằng bóng đèn sợi đốt cho thanh long, người trồng phải mất 8 tiếng/ngày, trong khi đèn led chỉ mất 6 tiếng. Đèn sợi đốt sử dụng bóng 60-70W thì đèn led chỉ sử dụng 5W, như vậy tiết kiệm năng lượng khoảng 15 lần.
“Đèn led giúp người trồng tiết kiệm điện, tuổi thọ kéo dài và chi phí thấp”, ông Khải cho hay.