Tham gia đoàn công tác có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN.
Tại 3 địa phương này, Công ty Truyền tải điện 2 (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia) quản lý, vận hành lưới điện truyền tải; Tổng công ty Điện lực miền Trung quản lý lưới điện phân phối. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn do các tổng công ty phát điện quản lý như: Nhà máy Thủy điện Sông Tranh, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4.
Đoàn công tác của Bộ Xây dựng kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn ảnh: Báo Xây dựng
|
Theo ông Phạm Hồng Long – Trưởng ban An toàn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN, đối với lưới điện phân phối trên địa 3 bàn tỉnh có đặc điểm chung là phạm vi quản lý trải rộng. Ngoài ra, đường dây điện đi qua khu vực rừng trồng có giá trị kinh tế cao và các rừng trồng cây thân nhỏ nhưng cao, mật độ lớn. Mặc dù các đơn vị đã tuyên tuyền, phối hợp hỗ trợ đền bù để chặt hạ nhưng cây trồng ngoài hàng lang vẫn có khả năng đổ, gãy vào đường dây. Hàng năm, vẫn xuất hiện các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Vì vậy, EVN kiến nghị các địa phương khi thực hiện quy hoạch, cấp đất thì thông báo đến đơn vị quản lý lưới điện để phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn hàng lang an toàn lưới điện. Các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; chỉ đạo các báo đài của địa phương phối hợp với ngành Điện tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở trong công tác phát quang hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Hiện nay, người dân trồng cây keo lá tràm, cây bạch đàn và cây cao su là các loại cây phát triển nhanh, có chiều cao từ 18 mét đến 25 mét và thời gian phát triển từ 2 đến 4 năm mới khai thác. Đây là những cây không cho trồng dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp theo quy định hiện hành (Nghị định 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ). Ngoài ra, công việc cắt tỉa, chặt bỏ những loại cây này rất khó khăn, kể cả khi đền bù gây tốn kém chi phí. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công tác vận hành an toàn đường dây 220kV, 500kV. Đồng thời, việc người dân trồng các loại cây keo lá tràm, cây bạch đàn và cây cao su nằm sát mép hành lang an toàn lưới điện cao áp cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây sự cố ảnh hưởng đến vận hành an toàn lưới điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
EVN kiến nghị các địa phương nghiên cứu, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp tại khu vực hành lang lưới điện cao áp hai phía đường dây 220kV, 500kV để đảm bảo an toàn cho lưới điện.
Đối với các hồ chứa thủy điện, ông Phạm Hồng Long cho biết, trong thời gian qua, các chủ hồ chứa đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa. Các công ty thủy điện đã ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị như Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa lũ hàng năm, quy chế với phối hợp vận hành và cung cấp thông tin với các chủ hồ với nhau trên lưu vực sông, quy chế phối hợp với cơ quan truyền thông địa phương ở vùng hạ du.
Để phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương trong công tác vận hành hồ chứa, EVN và các công ty thủy điện kiến nghị các địa phương bổ sung lãnh đạo các công ty thủy điện có đập, hồ chứa lớn, quan trọng đặc biệt tham gia vào Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của các tỉnh/ thành phố. Kiến nghị UBND huyện Đông Giang và xã Mà Cooih (tỉnh Quảng Nam) tuyên truyền và quản lý việc canh tác của người dân khu vực đường vận hành nhà máy và đập thủy điện A Vương phải thực hiện thu dọn hiện trường và tránh mở các lối mòn canh tác tùy tiện để không gây sạt lở.
Đối với Công ty Thủy điện Sông Bung đang tổ chức xây dựng Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho thủy điện Sông Bung 4 theo quy định. Theo đó, phương án này phải có bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo quy định tại Điều 27 Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc xây dựng Phương án này chưa hoàn thiện được do chưa có bản đồ ngập lụt vùng hạ du được phê duyệt. Vì vậy, Công ty Thủy điện Sông Bung kiến nghị Ban Chỉ đạo có ý kiến để Bộ NN&PTNT sớm xem xét phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập, hồ chứa thủy điện Sông Bung 4.
Tại các buổi kiểm tra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị, phòng chống và ứng phó với thiên tai của tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng trong những năm qua. Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, các địa phương đã nhận thức rất rõ những vấn đề đặc thù trong phòng chống thiên tai như an toàn hồ đập, hạn mặn, ngập lụt, gió bão, an toàn kiến trúc, cây xanh, lưới điện,… để có giải pháp về lâu dài.
Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai các phương án ứng phó theo từng cấp độ thiên tai, tổ chức diễn tập tại nhiều địa phương nhằm chủ động trước mọi tình huống, tránh tâm lý bị động, bất ngờ cho nhân dân. Cùng với đó chú trọng đảm bảo hành lang an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, phối hợp chặt chẽ với ngành Điện để vận hành các hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả. Đối với kiến nghị của các địa phương và EVN, Bộ Xây dựng sẽ có ý kiến với Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ NN&PTNT để công tác phòng chống thiên tai được tốt nhất, hiệu quả nhất.