Dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu: Nhà thầu trong nước sẽ được ưu tiên hơn

Luật Đấu thầu sửa đổi cần hạn chế nhà thầu quốc tế kém chất lượng và tạo cơ hội lớn hơn cho các nhà thầu nội địa. Đây là những nội dung quan trọng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trong Dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu đang được lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành.

Những bất cập

Theo Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung Luật Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay lĩnh vực đấu thầu đang được chia nhỏ và quản lý không tập trung, các quy định về đấu thầu nằm rải rác trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, gây nên tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các văn bản và gây khó khăn cho các đơn vị thực hiện. Cùng với đó là xu hướng điện tử hóa các hoạt động quản lý nhà nước nói chung và đấu thầu nói riêng hướng tới việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với tư cách là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khi đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Do đó, để tạo khung pháp lý thống nhất cho hoạt động mua sắm, đấu thầu, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thì việc ban hành Luật Đấu thầu (sửa đổi) là hết sức cần thiết.

Trên thực tế, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hiện tại chỉ điều chỉnh các hoạt động mua sắm thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước, trong khi đó, thực tế xuất hiện nhiều hoạt động mua sắm khác sử dụng nguồn lực của Nhà nước mà chưa được điều chỉnh, cụ thể như: các hoạt động mua sắm vì mục đích công nhưng không hình thành dự án, các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sử dụng vốn nhà nước, đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư thực hiện các dự án đối tác công - tư (PPP), các hoạt động mua sắm của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh… Đồng thời, các nội dung liên quan đến lĩnh vực và hình thức lựa chọn phân cấp trong đấu thầu, chỉ định thầu và chính sách ưu tiên các nhà thầu trong nước…cũng cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Dự án Thủy điện Sơn La do các nhà thầu trong nước thi công và lắp đặt về trước tiến độ 2 năm, làm lợi cho Nhà nước hàng tỷ USD     Ảnh: Văn Lương

Nhiều cơ hội mới cho nhà thầu trong nước

Dẫn chứng từ việc áp dụng chính sách ưu tiên nhà thầu trong nước, các chuyên gia cho rằng: Dự án Thuỷ điện Sơn La đến nay đã hoàn thành vượt tiến độ sớm 2 năm, làm lợi cho nhà nước hàng tỷ USD, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu về điện cho xã hội. Điều đó cho thấy, việc lựa chọn nhà thầu phù hợp với dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Có khá nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Luật Đấu thầu với nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là việc ưu tiên các nhà thầu trong nước trong việc tham gia đấu thầu quốc tế. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chặt chẽ hơn các điều kiện đối với các nhà thầu nước ngoài khi tham gia dự thầu. Theo đó, với những gói thầu tư vấn, xây lắp hỗn hợp, phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ trong nước của Việt Nam. Giá trị khối lượng công việc dành cho nhà thầu Việt Nam không được thấp hơn 30% giá dự thầu, trong trường hợp nhà thầu Việt Nam đủ khả năng thực hiện. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu…

Dự kiến Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến lần thứ nhất trước khi thông qua, sẽ là cơ hội để các nhà thầu trong nước tham gia các dự án đầu tư xây dựng lớn, nhằm tránh lãng phí tài nguyên và nguồn lao động trong nước.

TS Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho nhà thầu trong nước

Hiện nay, trong đấu thầu mua sắm công, đấu thầu chọn lựa nhà thầu trong lĩnh vực xây dựng đang có nhiều hạn chế, không lựa chọn đúng nhà thầu đủ năng lực, dẫn đến việc nhiều dự án đầu tư xây dựng công kém hiệu quả. Về tổ chức đấu thầu quốc tế, cần có quy định bảo đảm lợi ích kinh tế của đất nước, ví dụ, nhà thầu phải sử dụng vật liệu xây dựng, các trang thiết bị được sản xuất tại Việt Nam mà đạt được quy cách và tiêu chuẩn chất lượng cần thiết; ưu tiên sử dụng nhà thầu phụ trong nước. Hỗ trợ về điều kiện cho nhà thầu trong nước khi họ tham gia dự thầu quốc tế như yêu cầu một ngân hàng thương mại xác nhận sẽ cấp đủ vốn cần thiết để thực hiện hợp đồng giao - nhận thầu nếu được trúng thầu, còn điều kiện về  năng lực chuyên môn chỉ cần yêu cầu đã từng làm thầu phụ tại một công trình tương tự nhưng có thể có quy mô nhỏ hơn…

Trưởng ban Quản lý Đấu thầu EVN Ninh Viết Định: Cần hiểu đúng các khái niệm trong Luật

Trong thời gian qua, một số chuyên gia kinh tế đã nêu ra những hạn chế nhất định của Luật Đấu thầu hiện hành, nhiều ý kiến không đồng thuận với phương pháp đánh giá chọn nhà thầu chỉ dựa vào giá chào thầu thấp. Theo tôi, bản chất nội dung các quy định trong đánh giá thầu không phải như vậy, nhưng với những cách diễn giải và vận dụng khác nhau đã làm méo mó trong cách hiểu, nhìn nhận về đấu thầu và công tác quản lý đấu thầu.

Quản lý đấu thầu nói chung và đánh giá thầu là công việc chuyên môn đòi hỏi phải có hiểu biết cả về luật pháp và chuyên môn nghiệp vụ từng mảng công việc cụ thể. Vì thế, đề nghị các cơ quan quản lý liên quan như: Tổng cục Thống kê, Viện Kinh tế xây dựng, các bộ, cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác nghiên cứu và ban hành cập nhật thường xuyên các tài liệu và số liệu. Ban hành các chính sách của nhà nước về quản lý công nghệ, tránh việc cào bằng, sử dụng công nghệ lạc hậu, tốn năng lượng hay chính sách ưu tiên nội địa, sử dụng tối đa nguồn lực trong nước… Có như vậy, Luật sẽ đạt được hiệu quả và mang tính thực tiễn cao hơn.

 


  • 19/11/2012 02:45
  • Theo TCĐL chuyên đề QLHN
  • 3633


Gửi nhận xét