Đưa điện vượt trùng dương

Nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo, ngành Điện đã và đang nỗ lực đưa điện ra các xã, huyện đảo. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVN giai đoạn hiện nay.

"Rẽ sóng" đưa điện ra đảo

Giai đoạn 2011 - 2015, EVN đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo với tổng số vốn hơn 640 triệu USD và gần 3.500 tỷ đồng. Theo đó, tháng 10/2013, huyện đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã trở thành đảo đầu tiên trên cả nước được sử dụng điện lưới quốc gia. Tháng 2/2014, tuyến cáp ngầm 110 kV xuyên biển dài nhất Đông Nam Á lần đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, bắt đầu từ Hà Tiên đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã hoàn thành. Tiếp theo, điện lưới quốc gia đã vươn ra các đảo: Lý Sơn, Phú Quý, Cái Chiên, Vân Đồn, Hòn Tre... 

Năm 2016, cùng với việc tiến hành xây dựng đường dây và TBA đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), công trình đưa điện ra đảo Lại Sơn (tỉnh Kiên Giang) có đường dây 110 kV trên không vượt biển dài nhất Việt Nam (24,5 km) tiếp tục được thi công. Theo Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành, đưa điện lưới quốc gia ra các đảo là nỗ lực rất lớn của EVN trong việc góp phần phát triển kinh tế biển đảo, trước hết là xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. 

Thách thức lớn nhất khi đưa điện lưới lưới quốc gia ra các vùng biển, đảo là điều kiện thi công rất phức tạp, thời tiết biển khắc nghiệt; việc vận chuyển vật tư, thiết bị gặp nhiều khó khăn... Bên cạnh đó, việc huy động vốn cũng là một thách thức không nhỏ. Để khắc phục, chủ đầu tư và các nhà thầu phải tranh thủ tăng ca, tăng nhân lực thi công ngày, đêm khi thời tiết cho phép, bù lại thời gian biển động không thi công được. Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn vốn vay chính thống, EVN còn huy động nguồn vốn theo hình thức xã hội hóa: Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia đầu tư.

Điển hình là công trình đưa điện ra đảo Cô Tô đã thu hút được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp 205 tỷ đồng. Điện lưới quốc gia không chỉ đảm bảo cấp điện ổn định mà người dân trên đảo còn được mua điện với giá như trong đất liền. 

Hầu hết những huyện đảo sau khi có điện lưới quốc gia đều có bước phát triển mạnh về kinh tế; thu hút đầu tư; đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Cụ thể, huyện đảo Kiên Hải phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 13%; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt gần 5.000 USD. Huyện đảo Phú Quốc có mức tăng trưởng phụ tải vào khoảng 15 - 20%/năm. Hiện nay, Phú Quốc đang tích cực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như sân bay, cảng biển, đường giao thông, nước sinh hoạt; các dịch vụ khác… Đời sống nhân dân trên đảo ngày càng đổi mới, lượng khách du lịch đến Phú Quốc tăng rõ rệt... 

Xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã thay da đổi thịt nhờ điện lưới quốc gia 

Để “nhà nhà sử dụng điện”

Đến thời điểm này, EVN đang cấp điện cho 9/12 huyện đảo. Theo đánh giá của World Bank, mức độ phủ điện đến các hộ dân vùng sâu, vùng xa của Việt Nam là thành tựu mà không nhiều quốc gia trên thế giới đạt được. Các xã đảo hiện nay chưa được đầu tư điện lưới chủ yếu là do có khoảng cách quá xa đất liền, khó thi công đường cáp điện ngầm ra biển. Để cung cấp điện, cần huy động các nguồn điện tại chỗ như máy phát điện diezel, các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... 

Với mục tiêu đến năm 2020, hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, Bộ Công Thương đã phê duyệt Báo cáo Nghiên cứu khả thi 22 dự án cấp điện nông thôn, hải đảo giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó có 21 dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia và 1 dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vĩ (TP. Hải Phòng) từ nguồn điện hỗn hợp gồm: Nguồn điện lai ghép gió + mặt trời + diezel + lưu trữ năng lượng. 

Trước mắt, phương án cấp điện cho đảo Bạch Long Vĩ sẽ sử dụng điện gió kết hợp với nguồn diezel. Về lâu dài, EVN sẽ nghiên cứu phương án cấp điện bằng năng lượng mặt trời nhằm tận dụng thế mạnh của đảo. Khi các dự án hoàn thành, sẽ có thêm hơn 262.500 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, cũng như được hưởng lợi từ chính sách giá điện của Chính phủ. 

Theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long, việc cấp điện lưới quốc gia cho các huyện đảo đã giúp ngành Điện có cơ hội thực hiện quy hoạch, thiết kế, xây dựng, lắp đặt hệ thống lưới điện hiện đại, đồng bộ. Đây là mục tiêu phấn đấu của EVN không chỉ trên các đảo, mà cả trên đất liền. 

Tích cực tiếp nhận việc bán điện trên đảo 

Hầu hết lưới điện trên đảo là do địa phương quản lý. Khi nhu cầu phụ tải tăng cao, việc cấp điện trên đảo sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi nguồn điện cung cấp chủ yếu là diezel với giá thành cao. Vì vậy, việc tiếp nhận và đầu tư hệ thống bán điện trên các xã, huyện đảo là nhiệm vụ quan trọng của Tập đoàn, tạo cơ sở phát triển kinh tế biển những năm tiếp theo.

Ngay sau khi tiếp nhận, EVN sẽ lập phương án đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện hiện có ở các đảo, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng điện năng tiêu thụ giai đoạn 2016 - 2020. Thực tế cho thấy, việc cung cấp điện trên các đảo có nhiều chuyển biến tích cực sau khi được EVN tiếp nhận. Vì vậy, hầu hết các địa phương trên đảo đều sẵn sàng bàn giao và mong muốn EVN sớm tiếp nhận, đầu tư cải tạo hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. 

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và tham khảo ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về nhu cầu điện thực tế trên huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) để tính toán dự báo nhu cầu phụ tải điện trên huyện đảo. EVN cũng đã hoàn thành mục tiêu khảo sát thực tế tại một số điểm, đánh giá tình hình cung cấp điện tại các đảo trên Quần đảo Trường Sa, bước đầu đưa ra một số đề xuất, qua đó có thể phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải Quân lên phương án tiếp nhận và xây dựng cơ chế phối hợp vận hành hệ thống điện tại các đảo khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để EVN tiếp nhận hệ thống điện trên đảo. 

Hiện EVN đang cấp điện cho 9/12 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc và Kiên Hải (Kiên Giang); Trong đó, huyện đảo Phú Quý và Côn Đảo được cấp điện từ nguồn điện tại chỗ, các huyện đảo còn lại đều được sử dụng điện lưới quốc gia.

 


  • 19/09/2016 02:59
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7481