EVN NPT động thổ 3 công trình truyền tải điện 220 kV

Ngày 23/10, tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) đã tổ chức Lễ động thổ Công trình đường dây (ĐZ) 220 kV Vĩnh Tân - Phan Thiết, ĐZ 220 kV Vĩnh Tân - Tháp Chàm, TBA 220 kV Tháp Chàm và các đường dây đấu nối.

Công trình ĐZ 220 kV Vĩnh Tân – Tháp Chàm được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải công suất từ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vào hệ thống điện quốc gia, tăng cường công suất và giảm tổn thất cho hệ thống điện, tạo liên kết lưới điện 220 kV khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đường dây được thiết kế 2 mạch dài khoảng 63,3 km đấu nối từ sân phân phối 220 kV Trạm 500/220 kV Vĩnh Tân đến TBA 220 kV Tháp Chàm.

Ban AMT tổ chức lễ động thổ 3 công trình truyền tải điện - Ảnh: Lê Nam

Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành và đóng điện đưa vào vận hành quý IV/2014. Đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý Dự án các công trình điện miền Trung (AMT) đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hoàn thành công tác kiểm đếm phần móng, lập và phê duyệt xong phương án đền bù.

Dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Quân đội (MB) – Chi nhánh Đà Nẵng (300 tỷ đồng) và các chi phí khác sử dụng vốn tự có do EVN NPT thu xếp.

Công trình TBA 220 kV Tháp Chàm và các đường dây đấu nối được đầu tư xây dựng nhằm khai thác công suất của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tăng cường công suất và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, tạo liên kết mạch vòng lưới điện 220 - 110 kV khu vực.

TBA 220 kV Tháp Chàm được xây dựng mới TBA 220/110 kV, giai đoạn này đầu tư 1 máy biến áp công suất 125 MVA, có dự phòng vị trí để lắp máy biến áp thứ 2 khi cần thiết. Đường đây đấu nối đầu tư nhánh rẽ 2 mạch, dài khoảng 28,634 km đấu nối từ ĐZ 220 kV Đa Nhim - Nha Trang vào Trạm. Công trình dự kiến hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành quý IV/2014.

Đến nay, AMT đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp hoàn thành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án đền bù và trả tiền đền bù toàn bộ mặt bằng trạm biến áp và phần móng nhánh rẽ.

Công trình ĐZ 220 kV Vĩnh Tân – Phan Thiết được đầu tư xây dựng nhằm truyền tải công suất Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân vào hệ thống điện Quốc gia, tăng cường công suất và giảm tổn thất cho hệ thống điện, tạo liên kết lưới điện 220 kV khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Đường dây được thiết kế 2 mạch, dài khoảng 91,719 km đi qua địa bàn các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận. Công trình dự kiến hoàn thành và đóng điện đưa vào vận hành cuối năm 2014. Đến  thời điểm hiện tại, AMT đã phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để tổ chức công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, đo vẽ giải thửa, thành lập hội đồng đền bù, quyết định thu hồi đất.

Công trình sử dụng vốn vay Ngân hàng Eximbank - Long Biên (680 tỷ đồng) và các chi phí khác sử dụng vốn tự có do EVN NPT thu xếp. Hiện nay, EVN NPT đang tập trung chỉ đạo, quản lý điều hành, giao cho AMT trực tiếp điều hành, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành đóng điện và đưa vào vận hành các công trình đúng kế hoạch.


  • 24/10/2013 08:52
  • Xuân Tiến
  • 3386


Gửi nhận xét