EVN NPT – một mô hình ổn định khi thị trường điện phát triển

Cách đây 5 năm, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) ra đời, là cột mốc quan trọng đánh dấu việc chuyển đổi để thành lập đơn vị truyền tải chuyên nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường điện lực theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 26/2006/QĐ-TTg ngày 26/01/2006.

Trước thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ngành Điện Mỹ được tổ chức theo mô hình độc quyền liên kết dọc, trong đó điều độ, sản xuất, truyền tải đều nằm trong một công ty, chủ yếu là sở hữu tư nhân, không có cạnh tranh. Đến những năm 70-80, Chính phủ Mỹ cho phép phát triển chương trình IPP, cho phép các nhà đầu tư khác xây dựng các nhà máy điện độc lập và bán điện cho các công ty liên kết dọc. Mặc dù chương trình IPP được đánh giá là thành công, tuy nhiên, để tránh phân biệt đối xử trong việc tiếp cận và sử dụng lưới truyền tải, vào thập kỷ 90, Chính phủ Mỹ đã cải cách sâu rộng hơn lĩnh vực truyền tải bằng việc thành lập các công ty truyền tải trên cơ sở sáp nhập lưới điện truyền tải của các công ty liên kết dọc tại mỗi bang. Đây là mô hình tổ chức truyền tải phổ biến tại Mỹ.

Kinh nghiệm cải cách ngành Điện của Mỹ cho thấy, việc chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động của các đơn vị truyền tải ở Việt Nam và sự ra đời của EVN NPT là xu hướng tất yếu và là điều kiện tiên quyết để thực hiện thị trường điện. Qua đó từng bước đảm bảo nguyên tắc cơ bản của thị trường điện là công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử trong việc tiếp cận và sử dụng lưới truyền tải (open transmission access and non -discrimination).

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) ra đời đáp ứng mục tiêu phát triển thị trường điện lực  - Ảnh: H.Hiếu

Trở thành nhà cung cấp dịch vụ và hướng tới mục tiêu sẵn sàng cho thị trường điện bán buôn và bán lẻ sau này, hoạt động truyền tải của EVN NPT có 3 thay đổi chính như sau:

Một là, mục tiêu đảm bảo hệ thống truyền tải điện vận hành an toàn, ổn định và kinh tế được thể hiện mạnh bằng cam kết hợp đồng. Đây là lĩnh vực khó khăn nhất đối với EVN NPT trong bối cảnh đầu tư vào lưới điện truyền tải trong thời gian qua chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của nguồn và phụ tải. Một lưới truyền tải yếu, có nhiều điểm nghẽn mạch sẽ không hỗ trợ cho các giao dịch thương mại và còn là nguyên nhân gây ra các hành vi lũng đoạn thị trường điện, làm tăng chi phí năng lượng trên hệ thống.

Một ví dụ điển hình trong hoạt động của thị trường phát điện, là hệ thống điện miền Nam ngày càng phụ thuộc vào điện năng truyền tải qua lưới truyền tải 500 kV Bắc – Nam hiện nay, làm tăng chi phí mua điện của EVN khi phải trả chi phí năng lượng cho các nhà máy điện phía Nam tương đương với giá chào của tổ máy đắt nhất tại từng thời điểm, cao hơn nhiều chi phí năng lượng của chính nhà máy đó trong mô hình liên kết dọc trước đây.

Chính vì lý do này, hầu hết các nước đều cố gắng hoàn thiện mục tiêu củng cố hệ thống truyền tải để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trước khi đưa yếu tố cạnh tranh vào ngành Điện. Để đảm bảo hoàn thành các cam kết cung cấp dịch vụ của mình, cơ chế phí truyền tải hay nguyên tắc xác định phí truyền tải đóng vai trò rất quan trọng.

Hai phương pháp xác định phí truyền tải phổ biến được các nước áp dụng, thứ nhất là xác định theo chi phí, đây chính là phương pháp hiện nay đang được sử dụng tại EVN NPT. Nhược điểm của phương pháp này là việc triệt tiêu động lực tối thiểu hóa chi phí trong hoạt động của EVN NPT. Thứ hai là phương pháp khoán, áp dụng cho chu kỳ ổn định dài hơn từ 4-5 năm, EVN NPT sẽ được phép giữ lại các chi phí tiết kiệm từ cải tiến công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động… Do vậy, việc nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn phương pháp xác định phí truyền tải sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển bền vững lưới điện truyền tải của EVN NPT để phụ vụ thị trường điện.

Đối với đầu tư mới, nếu như trước đây hoạt động đầu tư lưới truyền tải được lên kế hoạch tập trung và căn cứ theo Quy hoạch điện, thì nay kết quả thị trường cũng là một yếu tố quan trọng để xác định thứ tự ưu tiên đầu tư trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế. Ví dụ, với hệ thống truyền tải còn có nhiều ràng buộc truyền tải, thì chênh lệch tiền điện giữa nút mua và nút bán trong thị trường điện bán buôn càng lớn và đây cũng chính là tín hiệu kích thích đầu tư mới, nhằm mục tiêu giảm thiểu mức chênh lệch này. Kinh nghiệm của một số nước cho thấy, số tiền chênh lệch trên sẽ dành cho đơn vị truyền tải phục vụ đầu tư mới dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan điều tiết.

Hai là, hoạt động của EVN NPT buộc phải minh bạch hơn do chịu sự giám sát của tất cả các đơn vị sử dụng dịch vụ. Do là lĩnh vực độc quyền, để đảm bảo lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, Nhà nước thực hiện quản lý điều tiết toàn bộ chi phí đầu tư mới của EVN NPT. Ngoài việc chịu sự giám sát trực tiếp của cơ quan Điều tiết Điện lực, hoạt động của EVN NPT còn chịu sự giám sát của người sử dụng dịch vụ là đơn vị phát điện và mua điện trên thị trường điện. Chính vì vậy, trách nhiệm giải trình của EVN NPT sẽ ngày càng tăng lên.

Ba là, hoạt động của EVN NPT phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử tiếp cận và sử dụng lưới điện truyền tải. Đơn vị truyền tải không được phép từ chối đấu nối lưới điện truyền tải, không phân biệt sở hữu nếu các chủ đầu tư thực hiện đúng theo quy hoạch và quy định của pháp luật. Đối với việc sử dụng lưới truyền tải, các khách hàng sử dụng bao gồm các đơn vị phát điện và các công ty điện lực phải được đối xử như nhau về chất lượng dịch vụ phí truyền tải mà họ đóng góp.

Như vậy, có thể nói, mô hình tổ chức của EVN NPT là mô hình ổn định nhất so với các đơn vị khác của EVN khi thị trường điện phát triển. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để EVN NPT có kế hoạch phát triển bền vững và dài hạn, tạo tiền đề cho sự hình thành thị trường điện hoàn chỉnh và mở đường cho các thành phần khác trong ngành cùng phát triển. Đồng thời, đội ngũ những người làm truyền tải hoàn toàn có cơ sở để khẳng định mình, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ mới với yêu cầu cao hơn.
 


  • 09/08/2013 01:44
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 7208


Gửi nhận xét