Tại Hà Nội, vừa diễn ra buổi tập huấn “Thực thi Nghị quyết số 19: Cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương”. Chương trình do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án “Quản trị Nhà nước nhằm phát triển toàn diện” của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức. Tập huấn nhằm giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 19, các nhiệm vụ, giải pháp đối với địa phương và cách thức xây dựng kế hoạch hành động và triển khai thực hiện.
Bà Laura McKechnie – Phó Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước của USAID Việt Nam khẳng định, Nghị quyết 19 là nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam, để cải thiện môi trường kinh doanh, và tăng tính cạnh tranh quốc gia. Việc thực thi Nghị quyết này thành công sẽ đem lại lợi ích lớn cho khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, góp phần tạo nên sự tăng trưởng bền vững và toàn diện của nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, nó cũng góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), qua đó sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.
Các đơn vị điện lực thuộc EVN nỗ lực rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng. Ảnh: ST
|
Xoay quanh nội dung liên quan đến rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng theo Nghị quyết 19, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM nhận định, thời gian qua, EVN hiện đã có nhiều hành động, nhiều giải pháp tích cực nhằm cải thiện chỉ số này.
Chia sẻ rõ hơn, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho biết, vừa qua, EVN đã rà soát lại toàn bộ quy trình, quy định phân cấp nội bộ để đảm bảo phân cấp cho các công ty điện lực chủ động hoàn toàn trong việc cấp điện cho khách hàng trung áp; phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như: Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải; Sở Cảnh sát PCCC địa phương, UBND huyện... nhằm thực hiện song song một số công việc thẩm tra, đánh giá, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp điện. Các công ty điện lực cũng đã nỗ lực đảm bảo tính minh bạch, công khai trong công tác tiếp cận điện năng.
Đặc biệt, EVN đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý cấp điện trung áp. Nhân viên điện lực tác nghiệp trực tiếp trên phần mềm CMIS 2.0, cấp lãnh đạo có thể quản lý, giám sát, chỉ đạo kịp thời công tác cấp điện; đồng thời khách hàng có thể gửi yêu cầu và tra cứu tiến độ cấp điện.
Kết quả sơ bộ, lũy kế 5 tháng đầu năm 2015, toàn EVN có 3.102 trong tổng số 3.201 khách hàng (đạt tỷ lệ 96,91%) được cấp điện trung áp dưới 36 ngày. Cụ thể, thời gian trung bình EVN cấp điện cho các khách hàng này là 22,38 ngày. Chỉ có 99 trường hợp (tỷ lệ 3,09%) cấp điện trên 36 ngày.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Dũng, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, việc thực hiện cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng phụ thuộc chủ yếu vào 3 nhân tố, đó là: EVN, các cơ quan quản lý nhà nước địa phương, và nhà đầu tư (khách hàng yêu cầu cấp điện). EVN hiện đã có những giải pháp để rút ngắn thời gian cấp điện, nâng cao chất lượng kinh doanh dịch vụ điện năng. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện này là thời gian thi công do các nhà đầu tư triển khai, kéo dài tới 63 ngày. Bên cạnh đó, việc tiếp cận điện năng cũng cần sự quan tâm, tham gia từ các cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương, có như vậy mới thực hiện thành công Nghị quyết 19.
Ngày 18/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tiếp đó, ngày 12/3/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016. Trong đó, đặt ra mục tiêu năm 2015, thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa là 36 ngày trong năm 2015, và trong năm 2016 giảm còn 35 ngày.
|