Đối với nguồn vốn vay trong nước, EVN đã ký kết các hợp đồng vay vốn với tổng giá trị là 8.578 tỷ đồng, bao gồm vay vốn cho di dân, tái định cư Thủy điện Bản Chát 1.872 tỷ đồng; Thủy điện Huội Quảng 306 tỷ đồng; vay bổ sung 400 tỷ đồng cho các dự án Thủy điện Đồng Nai 3,4; vay vốn đối ứng cho dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là 6.000 tỷ đồng.
Về vốn vay nước ngoài, EVN cũng đã ký hợp đồng vay 338 triệu USD với JIBIC - BTMU. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) cũng đã ký hợp đồng vay vốn cho các dự án lưới điện truyền tải với tổng giá trị 12,35 tỷ đồng, hiện đang tiếp tục đàm phán và hoàn thiện thủ tục để ký các hợp đồng vay vốn với tổng giá trị trên 11.000 tỷ đồng.
Năm 2014, thị trường tài chính trong nước và quốc tế được nhận định có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thuận lợi cho quá trình thu xếp vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp. Trước điều kiện thuận lợi đó, dự kiến trong thời gian tới, EVN và các đơn vị sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc thu xếp vốn cho các dự án điện.
Hiện, EVN đang đàm phán, hoàn thiện thủ tục để ký kết khoảng 13.530 tỷ đồng, bao gồm bổ sung di dân tái định cư Thủy điện Sơn La 3.200 tỷ đồng; vay bổ sung Thủy điện Bản Vẽ 480 tỷ đồng; vay vốn đối ứng cho các dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3 MR 4.000 tỷ đồng; Nhiệt điện Thái Bình 1.500 tỷ đồng; vay vốn dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Duyên Hải 850 tỷ đồng và vay vốn giai đoạn 2 cho dự án Cảng biển Duyên Hải là 3.500 tỷ đồng.
Đồng thời, tiếp tục đàm phán với tổ hợp ngân hàng KEXIM/KSURE của Hàn Quốc về hợp đồng vay vốn phần còn lại (910 triệu USD) cho dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Bên cạnh đó, EVN sẽ tiếp tục phối hợp với các ngân hàng để gia hạn các khoản vay 7.500 tỷ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho dự án Nhiệt điện VĨnh Tân 2, Duyên Hải 1; khoản vay 6.000 tỷ đồng vay bảo hiểm xã hội cho dự án Thủy điện Lai Châu.
Các tổng công ty phát điện làm việc với các ngân hàng thương mại để xử lý công nợ (phương án về chuyển hợp đồng vay, nguồn vốn cho vay, lãi suất, thời gian trả nợ...) đối với các khoản vay ngân hàng thương mại trong nước.