EVN mong muốn xây dựng hệ sinh thái số và chia sẻ với các doanh nghiệp năng lượng

Đây là một trong những mục tiêu kế hoạch của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về triển khai chuyển đổi số. Thông tin được Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm chia sẻ tại buổi tọa đàm do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, ngày 28/4.

Ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì toạ đàm bàn tròn cấp cao với chủ đề “Hành trình chuyển đổi số doanh nghiệp Việt: Từ tư duy đến hành động và các khuyến nghị”. Tọa đàm diễn ra dưới hình thức trực tuyến, kết nối các điểm cầu từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và một số điểm cầu quốc tế. Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam là Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham dự từ điểm cầu trụ sở Tập đoàn (Hà Nội). Ngoài ra, có đại diện Tổng công ty Điện lực miền Bắc cũng tham gia tọa đàm.

Sự kiện này nằm trong chuỗi các toạ đàm chuẩn bị cho diễn đàn lớn về chuyển đổi số do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, dự kiến tổ chức vào tháng 7/2021. Nội dung tọa đàm là ý kiến, chia sẻ của các doanh nghiệp về kinh nghiệm thực tiễn, vấn đề vướng mắc trong triển khai chuyển đổi số; gợi mở các giải pháp, nền tảng công nghệ, cũng như kết nối mạng lưới chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp.

Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm tham dự tọa đàm

Chia sẻ tại toạ đàm, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, trong thời gian qua, EVN là một trong những doanh nghiệp đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số.

Điển hình, năm 2013, EVN là doanh nghiệp đầu tiên triển khai hóa đơn điện tử trên quy mô toàn quốc, mang đến nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Năm 2019, EVN được ghi nhận là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên triển khai cung cấp hợp đồng điện tử tới khách hàng toàn quốc. Cũng năm 2019, khi Chính phủ khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia, EVN là một trong số các đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 4 trên Cổng. Tới nay, 77% yêu cầu dịch vụ trên Cổng là dịch vụ điện. 

Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm khẳng định, Ban lãnh đạo Tập đoàn quyết tâm rất cao trong triển khai chuyển đổi số. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam được thành lập, do Chủ tịch HĐTV EVN làm Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo Tập đoàn là Phó Trưởng Ban. EVN cũng đã tham khảo, học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp năng lượng lớn trên thế giới. Cùng đó, EVN nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng đề án chuyển đổi số của Tập đoàn.

Theo Đề án tổng thể Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025, EVN xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số gồm: Sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin. Để triển khai chuyển đổi số, EVN bắt đầu từ việc xây dựng các nghiệp vụ trong môi trường số, xây dựng văn hoá, và ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

Ông Võ Quang Lâm chia sẻ, mục tiêu của EVN là sẽ xây dựng một hệ sinh thái số của Tập đoàn. Trong đó, kết nối thống nhất các sáng kiến chuyển đổi số từ các đơn vị thành viên. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác trong lĩnh vực năng lượng trên toàn quốc cũng có thể tham gia hệ sinh thái chuyển đổi số này trên tinh thần hợp tác, chia sẻ. EVN mong muốn xây dựng và dẫn dắt hệ sinh thái số này.

Một số thông tin về các thách thức trong triển khai chuyển đổi số cũng được lãnh đạo EVN trao đổi tại toạ đàm. Đơn cử như, trình độ CBCNV không đồng đều, các đơn vị trải dài trên cả nước, cùng một số khó khăn về chính sách,... Tập đoàn đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm 2022.

Về công việc trước mắt, Phó Tổng Giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN sẽ tiếp tục xem xét giải pháp để đơn giản hoá thủ tục và tăng sự tiện lợi cho khách hàng khi kí hợp đồng mua bán điện. EVN cũng mong muốn có công cụ số tốt hơn để hỗ trợ người dân trong quá trình kí hợp đồng điện tử (hiện nay, đa phần người dân chưa có chữ kí điện tử, mà sử dụng mã OTP qua điện thoại khi kí hợp đồng mua bán điện).

Tại toạ đàm, ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được các chuyên gia, các doanh nghiệp lắng nghe, ghi nhận. Từ điểm cầu Singapore, PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (ĐH Quốc gia Singapore) đánh giá, quyết tâm về chuyển đổi số của EVN rất mạnh mẽ. PGS.TS Vũ Minh Khương cũng đánh giá cao sự cộng hưởng, lan toả ý nghĩa từ buổi toạ đàm và gợi mở thêm về các kinh nghiệm chuyển đổi số. Để đi tắt đón đầu, các doanh nghiệp nên “đứng trên vai người khổng lồ”, chứ không nhất thiết tự làm tất cả; đồng thời quy tụ các động lực, nguồn lực từ thế giới để Việt Nam đi nhanh trên hành trình chuyển đổi số.


  • 28/04/2021 02:19
  • M.Hạnh
  • 5230