Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Chiến lược EVN cho biết, ngày 6/11/2018, EVN đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam” (Đề án 4.0).
Trong đó, Đề án định hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong các lĩnh vực: Phát điện, truyền tải điện, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, điều độ hệ thống điện và thị trường điện, quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông tin và tự động hoá. Đồng thời, EVN đã xây dựng danh mục 36 đề án/dự án/đề tài thành phần để các đơn vị triển khai.
Đến nay, các đơn vị đã cơ bản hoàn thành xây dựng đề cương chi tiết thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó các đề án/dự án thành phần đều xác định rõ những công việc cần thực hiện và tiến độ, kết quả theo từng tháng.
Ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN chủ trì cuộc họp
|
Đặc biệt, một số dự án, đề tài sau khi triển khai thực tế đã cho thấy hiệu quả tích cực.
Điển hình, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh đã triển khai: "Phát triển lưới điện thông minh cấu phần tự động hóa lưới điện phân phối 22 kV"; "Ứng dụng công nghệ sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến (CBM, RCM)"; "Nghiên cứu công nghệ triển khai hệ thống điều khiển phụ tải (Demand Response)". Tổng công ty Điện lực miền Trung đã triển khai: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống sạc xe điện có tích hợp năng lượng tái tạo", "Thực hiện số hóa công tác quản lý kỹ thuật lưới điện phân phối".
Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, việc triển khai Đề án 4.0 của EVN còn gặp nhiều khó khăn, do đây là nội dung rất mới và phức tạp nên các đơn vị cần có thời gian để nghiên cứu, lựa chọn giải pháp, công nghệ phù hợp với từng đơn vị. Bên cạnh đó, ứng dụng AI, Big data, Blockchain cũng chưa phổ biến, gây lúng túng cho các đơn vị khi bắt tay vào nghiên cứu triển khai.
Ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn đánh giá cao sự nỗ lực của Ban chỉ đạo và các đơn vị trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công việc, nhất là những đề tài, dự án về phần mềm dùng chung của Tập đoàn, dự báo phụ tải, giám sát online,... Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu, phát triển về lĩnh vực Big data, bởi đây chính là cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các đơn vị nên nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và trên thế giới để triển khai đề án hiệu quả.