EVN thực hiện tốt Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh

Trải qua 9 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển mạnh về quy mô

Thực hiện Quy hoạch điện VII (2011-2015) và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (2016-2019), dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Điện Việt Nam đã có bước tiến mạnh cả về quy mô và chất lượng điện. EVN đã thực hiện tốt việc đầu tư các dự án nguồn điện được giao. Trong giai đoạn 2011-2019, cả nước đã đưa vào vận hành gần 34.200MW công suất nguồn; trong đó EVN có 15.725MW công suất, chiếm 46%. Tập đoàn cũng hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành 1.830 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV. 

Thời gian qua, với cơ chế khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ, điện mặt trời (ĐMT) cũng có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô cũng như thời gian xây dựng. Tuy nhiên, do phát triển nóng các nguồn điện NLTT đã gây quá tải cục bộ lưới điện truyền tải ở một số khu vực; gây khó khăn cho việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. Với trách nhiệm của mình, EVN đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lưới điện truyền tải, đặc biệt là tại khu vực miền Trung, nên đến nay cơ bản đã giải tỏa hết các nguồn điện từ NLTT tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận; đồng thời nỗ lực vận hành an toàn, hiệu quả và kinh tế hệ thống điện và thị trường điện.

Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 - một trong những nguồn điện quan trọng được EVN đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011-2019

Vấn đề đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo ngày càng được được Tập đoàn quan tâm và thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào việc xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. Đến nay, 100% số xã, 99,52% các hộ dân, trong đó 99,25% hộ dân nông thôn trên cả nước có điện. EVN cũng đã cấp điện cho 11/12 huyện đảo. Theo đánh giá của WB, Việt Nam thực hiện thành công và đạt hiệu quả cao về đầu tư lưới điện nông thôn. Đặc biệt, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam đứng thứ 27/190 quốc gia, nền kinh tế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. EVN cũng là một trong những DNNN đi đầu về ứng dụng thành tựu KHCN, tự động hóa…

Tại buổi làm việc với EVN trong tháng 8/2020, đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá ngành Điện Việt Nam đã có sự phát triển mạnh, quy mô công suất nguồn điện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới; kết cấu hạ tầng lưới điện đứng đầu các nước ASEAN. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng EVN đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, khi triển khai các dự án điện thuộc Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, hầu hết các dự án của EVN đều đảm bảo tiến độ. Đội ngũ CBCNV của EVN đã làm chủ được khoa học công nghệ, ứng dụng thành công các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành hệ thống điện, đồng chí Phùng Quốc Hiển ghi nhận.

Thách thức còn ở phía trước

Hiện nay, sản lượng điện sản xuất của tất cả các nhà máy điện thuộc EVN (gồm cả các Công ty CP) chiếm tỷ trọng trên 50% sản lượng toàn hệ thống; trong đó sản lượng điện sản xuất các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn chỉ chiếm 31%. Đến các năm 2025, tỷ trọng công suất các nguồn điện của EVN và các đơn vị nắm cổ phần chi phối tương ứng giảm xuống còn 36% (trong đó các nhà máy điện trực thuộc EVN chỉ chiếm gần 20%). Lúc này, EVN chỉ giữ vai trò chính trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện và chỉ là một trong những chủ thể tham gia vào lĩnh vực phát điện. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh cung cấp điện trong giai đoạn tới vượt ra ngoài khả năng của EVN và phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia và tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện của các chủ đầu tư ngoài EVN.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển nhận định, ngành Điện Việt Nam đang đứng trước rất nhiều khó khăn như quy hoạch chưa đồng bộ; nhu cầu điện ngày càng tăng; nhiều dự án điện ngoài EVN chưa đáp ứng được tiến độ; giá điện còn thấp… Mục tiêu lớn nhất trong giai đoạn tới là không để đất nước thiếu điện phục vụ phát triển kinh tế cũng như đời sống nhân dân. Đây là một thách thức lớn, khi EVN chỉ còn làm chủ khoảng 20% nguồn điện toàn hệ thống. Tuy nhiên, là DNNN EVN cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Theo đó, Tập đoàn cần tích cực góp phần xây dựng Quy hoạch điện VIII hợp lý, khoa học mang tính tổng hợp cao; nghiên cứu, xây dựng được cơ cấu nguồn điện hợp lý…

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện, EVN đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực, xác định quản lý nhà nước về điện lực, đặc biệt là quản lý vận hành lưới điện truyền tải, trách nhiệm về đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện xã hội hoá đầu tư phát triển. Đồng thời, nghiên cứu ban hành luật cải cách ngành Điện làm cơ sở hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước, hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ đối với đầu tư phát triển dự án Công nghiệp điện… 

Những con số nổi bật của EVN trong thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (giai đoạn 2011-2019): 

- Điện sản xuất và nhập khẩu: Tăng 2,37 lần
- Điện thương phẩm: Tăng 2,46 lần
- Tăng trưởng điện bình quân: 10,5%/năm.
- Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên đầu người: Tăng 2,2 lần. 
- Đưa vào vận hành 15.725MW, chiếm 46% tổng công suất nguồn của cả nước.
- Hoàn thành 1.830 công trình lưới điện từ 110-500kV, với tổng chiều dài trên 21.900km, tổng dung lượng các TBA:188.820MVA
- Tổng giá trị vốn đầu tư: đạt 916.706 tỷ đồng. 


  • 22/10/2020 02:50
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 9823