EVN thực hiện tốt thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng

Đó là khẳng định của ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng”, do Báo Lao Động tổ chức, sáng 24/8, tại Hà Nội.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, đến nay, tính trên toàn quốc có 27 ngân hàng đang hợp tác với các Tổng công ty/Công ty Điện lực để cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện. Khi khách hàng thanh toán tiền điện xong tại ngân hàng, thông tin lập tức được chuyển sang phía Điện lực để gạch hóa đơn, xóa nợ qua hệ thống công nghệ thông tin kết nối giữa 2 bên.

“Nếu một khách hàng đã thanh toán, nhưng người trong gia đình chưa nắm được, thực hiện thanh toán lần nữa thì hệ thống cũng không cho phép”, ông Phạm Tiến Dũng ghi nhận. Phía Điện lực đã xây dựng được hệ thống dữ liệu tập trung là một trong những điều kiện quan trọng để triển khai tốt công tác thanh toán dịch vụ qua ngân hàng, theo đánh giá của ông Phạm Tiến Dũng.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, Tập đoàn bắt đầu triển khai thu tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian từ năm 2015. Đây là một trong những giải pháp nhằm nâng cao năng suất lao động của EVN, đồng thời tăng tiện ích, giảm phiền hà cho khách hàng.

Đến cuối năm 2017, cơ bản không còn hình thức thu ngân viên của Điện lực đến nhà khách hàng thu tiền điện. Tỉ lệ hóa đơn và doanh thu tiền điện qua ngân hàng/tổ chức trung gian đã tăng mạnh qua các năm, từ 14,88% (năm 2015) lên 44,95% năm 2017.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN chia sẻ kinh nghiệm về triển khai thanh toán tiền điện qua ngân hàng tại Hội thảo

Cũng theo ông Dũng, khách hàng cần phải thay đổi thói quen thanh toán là một trong những khó khăn của EVN khi triển khai chuyển đổi hình thức thu tiền điện. Do vậy, Tập đoàn và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện từng bước: Đầu tiên, các công ty Điện lực chuyển việc thu tiền điện tại nhà khách hàng ra các điểm thu tập trung của Điện lực hoặc qua ngân hàng/tổ chức trung gian. Sau đó, dần chuyển đổi hình thức thanh toán từ điểm thu tập trung sang thanh toán tại Ngân hàng/tổ chức trung gian.

Song song với công tác này, Tập đoàn cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc họp tổ dân phố, hoặc khi khách hàng đến giao dịch với điện lực,..., giúp khách hàng hiểu được những lợi ích khi thanh toán tiền điện qua ngân hàng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng/tổ chức trung gian để kịp thời giải quyết yêu cầu, vướng mắc của khách hàng trong quá trình triển khai.

Việc chuyển đổi hình thức thu tiền điện qua ngân hàng của EVN vẫn còn một số khó khăn đối với những khách hàng tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do các ngân hàng chủ yếu tập trung tại đường lớn, khu vực phát triển. Bên cạnh đó, quầy thu ngân hàng thu vào giờ hành chính, nên khối lượng thanh toán rất đông, dẫn đến khách hàng phải chờ đợi lâu.

Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục xây dựng chính sách thanh toán trực tuyến theo từng đối tượng khách hàng; khuyến khích thanh toán tiền điện bằng hình thức trích nợ tự động; triển khai thanh toán trực tuyến qua webiste và ứng dụng OTT trên điện thoại di động;

Đối với những khu vực chưa có liên kết với ngân hàng, Điện lực sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh toán qua các tổ chức trung gian để tiện ích nhất cho người dùng điện.

Mục tiêu đến năm 2020:

- 70% số tiền điện tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc TP trực thuộc Trung ương được thanh toán qua ngân hàng.

(Theo Quyết dịnh số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội)


  • 24/08/2018 02:01
  • Minh Tâm
  • 20228