EVN tiết kiệm hiệu quả nguồn lực nhờ đấu thầu qua mạng

10%/năm là tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu qua mạng bình quân hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giá trị tiết kiệm này là nguồn lực rất lớn để EVN hoàn thành các nhiệm vụ về sản xuất kinh doanh điện được Đảng và Nhà nước giao. Cùng theo dõi cuộc trao đổi nhanh của evn.com.vn với bà Phạm Thị Thúy Hà – Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu EVN.

Bà Phạm Thị Thúy Hà - Trưởng Ban Quản lý Đấu thầu EVN

PV: Việc đấu thầu qua mạng đã mang lại hiệu quả như thế nào trong hoạt động của EVN, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thúy Hà: Từ vài trăm gói đấu thầu qua mạng trong năm đầu tiên hệ thống mua sắm công đi vào hoạt động, tới năm 2020, EVN đã thực hiện trên 14.000 gói thầu. Riêng 9 tháng đầu năm nay, EVN đã thực hiện hơn 12.000 gói thầu trên tổng số hơn 80.900 gói thầu thực hiện qua mạng của cả nước. EVN cũng đã thực hiện 100% các gói thầu mà hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hỗ trợ tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Đặc biệt, nếu năm 2018, EVN chỉ tiết kiệm được khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng đối với các gói thầu đấu thầu qua mạng thì năm 2020, con số này đã tăng lên khoảng 4 nghìn tỷ đồng; và trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị tiết kiệm đạt khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng.

PV: So với đấu thầu truyền thống, đấu thầu qua mạng có những ưu điểm gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thúy Hà: Kinh nghiệm thực tế trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu qua mạng tại EVN cho thấy, hình thức này có nhiều ưu điểm vượt trội so với hình thức đấu thầu truyền thống. Bên cạnh tiết kiệm chi phí, đấu thầu qua mạng đã và đang là công cụ hữu hiệu để EVN thực hiện cải cách hành chính, tinh gọn và chuyên nghiệp hóa bộ máy làm công tác đấu thầu; giúp phòng, chống gian lận, tiêu cực trong công tác đấu thầu.

Thứ nhất, việc ứng dụng CNTT trong đấu thầu qua mạng có thể xem là bước tiến lớn giúp bên mời thầu và nhà thầu tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, tăng cường minh bạch thông tin. Quá trình giao dịch, trao đổi thông tin giữa nhà thầu và bên mời thầu được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống; không còn tình trạng cố tình gây khó dễ trong việc bán hồ sơ mời thầu..,

Bên cạnh đó, toàn bộ thông tin đấu thầu đều được công khai, minh bạch trên hệ thống. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả nhà thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng, qua đó tăng cường tính hiệu quả của công tác đấu thầu.

Thứ hai, mọi thao tác trong đấu thầu qua mạng đều được số hóa nên chi phí, nhân sự và thời gian dành cho đấu thầu cũng được tiết kiệm đáng kể. Bên mời thầu không phải tốn chi phí chuẩn bị, in ấn; nhà thầu có thể tải miễn phí hồ sơ mời thầu trên hệ thống, không mất chi phí vận chuyển, in ấn, lưu trú khi tham gia đấu thầu.

Thứ ba, đấu thầu qua mạng là bước cải cách hành chính mạnh mẽ, đơn giản hóa quá trình đấu thầu, tiết kiệm thời gian: toàn bộ quy trình đấu thầu đều tối ưu và đơn giản hóa, từ bước lập, đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, chuẩn bị và nộp hồ sơ đến khi mở thầu, đánh giá và công bố kết quả.

Thứ tư, đấu thầu qua mạng là công cụ đắc lực giúp các doanh nghiệp, đơn vị chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Điển hình,  trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, đấu thầu qua mạng đã thể hiện được ưu điểm vượt trội so với đấu thầu truyền thống. Với số lượng hầu hết các gói thầu được thực hiện qua mạng, công tác đấu thầu của EVN không bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

PV: Để phát huy các ưu thế của đấu thầu qua mạng, EVN đã vượt qua những khó khăn gì, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thúy Hà: Khó khăn trước hết là chuyển đổi tư duy, nhận thức, thói quen của cán bộ làm công tác đấu thầu khi chuyển từ đấu thầu truyền thống sang đấu thầu qua mạng. EVN đã triển khai rất nhiều biện pháp như: các chỉ thị chỉ đạo quyết liệt về công tác đấu thầu qua mạng, giao chỉ tiêu, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong hoàn thành chỉ tiêu. Bên cạnh đó, EVN thường xuyên tổ chức đào tạo, huấn luyện cho cán bộ trong sử dụng, thao tác, xử lý tình huống khi tổ chức lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhờ đó, EVN đã tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng. Nhiều đơn vị trong EVN đã chuyển đổi từ chỗ không muốn đấu thầu qua mạng sang ưu tiên cao áp dụng đấu thầu qua mạng.

Một khó khăn nữa là vấn đề kỹ thuật của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Do hệ thống vẫn chưa hỗ trợ được toàn bộ các hình thức lựa chọn nhà thầu, phương thức lựa chọn nhà thầu cũng như các loại hình hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu. Ví dụ, hiện hệ thống chưa hỗ trợ các gói thầu áp dụng hình thức hợp đồng kết hợp giữa theo đơn giá và trọn gói. Ngoài ra, hệ thống cũng bị giới hạn khi chỉ tương thích với trình duyệt Internet Explorer. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để giải quyết các vấn đề kỹ thuật này.

Ngoài ra, EVN cũng đặc biệt quan tâm đến việc được tiếp cận, chia sẻ thông tin về Cơ sở dữ liệu nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để phục vụ công tác chuyên môn sâu như: đánh giá, phân tích thị trường nhà thầu; đánh giá, phân tích giá gói thầu và nâng cao hiệu quả giám sát của chủ đầu tư đối với các bên mời thầu, nhà thầu trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, qua đó để có thể tiếp tục tăng cường hơn nữa tính hiệu quả, giảm thiểu thời gian, chi phí của công tác đấu thầu.

PV: Xin cảm ơn bà!


  • 27/10/2021 02:23
  • Nghi Viên (thực hiện)
  • 10425