Tích cực đầu tư
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2015, 13 tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên thu hút được 117 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) của 23 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 563,1 triệu USD, gấp 1,3 lần về số dự án so với năm 2014. Trong quý I/2016, cả khu vực đã thu hút được 19 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 142,8 triệu USD. Tại khu vực cũng đã hình thành nhiều khu - cụm công nghiệp lớn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu bao gồm nhiều lĩnh vực như: Xi măng, sắt, thép, nhựa, cao su, ôtô, may mặc, giày da, khai khoáng, chế biến và các mặt hàng tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài các yếu tố như vị trí chiến lược, giàu tài nguyên thiên nhiên, nguồn lao động dồi dào, cơ chế chính sách mở thì yếu tố cơ sở hạ tầng đang phát triển, trong đó có hệ thống điện, đã giúp các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Trần Đình Nhân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVNCPC - cho biết: Trong năm 2015, toàn EVNCPC đã triển khai 960 công trình với giá trị thực hiện hơn 567 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch năm. Tính chung cả giai đoạn 2011 - 2015, đơn vị đã đầu tư trên 14.104 tỷ đồng để phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện (có dự phòng gần 30%) cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các phụ tải công nghiệp nói riêng, trong giai đoạn 2016 - 2020, EVNCPC tiếp tục đầu tư cho hệ thống điện với tổng vốn lên tới gần 28,5 nghìn tỷ đồng để xây dựng 1.848 km đường dây và 101 trạm biến áp (TBA) 110kV (4.280 MVA); 21.436 km đường dây trung hạ áp và các TBA phân phối (1.833,75 MVA).
Ngành điện miền Trung nỗ lực cấp điện cho phụ tải công nghiệp
|
Nhiều giải pháp cung cấp điện
Theo ông Nhân, để tăng cường chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện cho các phụ tải công nghiệp, EVNCPC đã chủ động lập và thực hiện nâng công suất các TBA; các xuất tuyến mạch vòng để bảo đảm khách hàng không mất điện; đầu tư hệ thống đo đếm hiện đại nhằm kiểm soát công suất, sản lượng; rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng; làm tốt công tác dịch vụ khách hàng thông qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin kết nối với các sở, ngành, doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch phát triển dự án và dự kiến nhu cầu sử dụng điện trong khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ để xây dựng kế hoạch cung ứng điện hiệu quả, hợp lý.
Bên cạnh đó, EVNCPC phân cấp mạnh mẽ cho các đơn vị trực thuộc và tích cực rà soát để sửa đổi lại các quy trình, quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư cấp điện cho các nhà đầu tư theo hướng đơn giải hóa thủ tục hành chính. Phân cấp cho các đơn vị chủ động triển khai đầu tư cấp điện khi có nhà đầu tư đăng ký. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về thủ tục và thời gian đầu tư cấp điện chỉ còn 10 ngày làm việc.
EVNCPC cũng chủ động bố trí và sẵn sàng một lượng vốn để đầu tư khi có yêu cầu; đàm phán với các nhà cung cấp vật tư thiết bị để sẵn sàng phục vụ thi công lắp đặt, đối với vật tư thiết bị không thông dụng, nghiên cứu tối ưu hóa dự phòng theo khu vực; xây dựng lược đồ giám sát thời gian thực hiện từng công đoạn tại các đơn vị...
Dù còn gặp khó khăn về nguồn vốn, ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường nhưng EVNCPC cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu về điện cho doanh nghiệp hoạt động, đầu tư, sản xuất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. |