EVNNPC: Những giải pháp hiệu quả giảm tai nạn lao động

Hoàn thiện các qui chế, qui trình, qui định về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh huấn luyện về an toàn lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng như công tác tuyên truyền… là những giải pháp của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) hướng đến.

Tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng

Ông Mai Quang Hùng - Trưởng Ban An toàn EVNNPC cho biết, an toàn lao động (ATLĐ) là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sản xuất - kinh doanh. 2 năm gần đây, EVNNPC đã đẩy mạnh việc huấn luyện về ATLĐ, nâng cao kĩ năng nghề nghiệp, sử dụng các biện pháp đánh giá, phòng tránh rủ ro cho người lao động trong quá trình làm việc. Riêng năm 2017, công tác huấn luyện được tổ chức nhiều nhất từ trước đến nay, với 6.500 lượt CBCNV do Tổng công ty trực tiếp huấn luyện và trên 22.000 lượt CBCNV được huấn luyện tại các đơn vị cơ sở.

Rút kinh nghiệm những năm trước đây, năm 2017, EVNNPC đã kiểm soát chặt chẽ các biện pháp an toàn đối với các công việc sửa chữa trên lưới điện với nhiều hình thức như: Kiểm tra, giám sát trực tiếp tại hiện trường, qua hình ảnh trên Google Drive, gọi điện thoại video… Qua đó, kịp thời chấn chỉnh ngay những đơn vị, cá nhân chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp an toàn, ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra những TNLĐ đáng tiếc. 

Ông Thang Văn Phúc - Chủ tịch TW Hội kỷ lục gia Việt Nam (ngoài cùng bên trái) trao chứng nhận và Cúp biểu tượng cho đại diện EVNNPC về bức tranh "Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động" 

Tổng công ty cũng tăng cường trang bị dụng cụ an toàn cho người lao động, theo hướng tốt hơn, mới hơn, gọn nhẹ hơn…, tạo thuận tiện tối đa cho người lao động khi làm việc, nhất là làm việc trên cao. Đồng thời, Tổng công ty cũng tổ chức các buổi tọa đàm với sự tham gia của chuyên gia tâm lý về sức khỏe, hạnh phúc gia đình; chuyên gia về an toàn vệ sinh lao động... Các buổi tọa đàm được truyền hình trực tuyến tới tất cả các điện lực trực thuộc.

Năm 2017, EVNNPC đã tổ chức Hội thi dành cho cán bộ an toàn giỏi. Đây cũng là hội thi an toàn quy mô cấp Tổng công ty đầu tiên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhằm nâng cao ý thức ATLĐ cho người lao động; thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện kỉ cương, tuân thủ nghiêm quy trình, quy phạm an toàn trong các đơn vị. Hội thi đã giúp EVNNPC lựa chọn các cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm trong thuyết trình, có kỹ năng giải quyết nhanh các tình huống, tạo nguồn cán bộ huấn luyện an toàn trong những năm tới. Với những giải pháp thiết thực, số vụ tai nạn đã giảm đáng kể so với các năm trước. Năm 2017, toàn Tổng công ty chỉ xảy ra 2 vụ, làm bị thương nhẹ hai người.

Xây dựng văn hóa an toàn 

Ông Mai Quang Hùng cho biết, để quản lý ATLĐ đạt hiệu quả cao hơn nữa và ngày càng bền vững, ngoài việc duy trì các giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, năm 2018, EVNNPC sẽ “Đẩy mạnh, xây dựng văn hóa an toàn lao động”. Theo đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện các qui chế, qui trình, qui định về an toàn vệ sinh lao động; đẩy mạnh đầu tư nâng cấp cải tạo lưới điện nhằm giảm thiểu các nguy cơ xảy ra TNLĐ, tạo môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động... 

Các đơn vị cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo kiểm soát công tác ATLĐ trên lưới hàng ngày, hàng tuần; xây dựng phần mềm viết phiếu công tác, kiểm soát phiếu công tác, kiểm soát an toàn đối với các công việc trên lưới điện... Cùng với đó, EVNNPC sẽ thu thập đầu số điện thoại của CBCNV để xây dựng quy định quản lý rủi ro và ứng cứu khẩn cấp; thực hiện thông báo lịch đau thương (các vụ TNLĐ đã từng xảy ra trong quá khứ với các nội dung: thời gian, nguyên nhân, hậu quả và bài học rút ra), để CBCNV nắm bắt và rút kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Ông Mai Quang Hùng khẳng định: “EVNNPC đã và đang phấn đấu nói không với TNLĐ; quyết tâm xây dựng Văn hóa an toàn trong lao động sản xuất”.

Bức tranh tuyên truyền về an toàn lao động của NPC:

- Tạo bằng 5.000 dấu vân tay
- Thông điệp: “Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động”
- Được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là bức tranh có nhiều dấu vân tay nhất Việt Nam.


  • 10/07/2018 03:04
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 18252