Giá truyền tải điện cần phải được cập nhật phù hợp với chi phí, cũng như đảm bảo cho lĩnh vực truyền tải điện được hoạt động một cách bền vững - Ảnh: H.Hiếu
|
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực - Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, Cục Điều tiết Điện lực và Tư vấn ECA (Anh Quốc) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu giá truyền tải điện cũng như nhu cầu đầu tư của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), trên cơ sở đó xây dựng đề án xem xét sửa đổi cơ chế tính giá truyền tải điện hiện tại ở Việt Nam. Đây là phương pháp tính giá truyền tải mới, có tác động rất lớn đến việc tính toán giá truyền tải điện trong thời gian tới.
Chính vì vậy, hội thảo đã thu hút sự quan tâm và chú ý của lãnh đạo EVN, EVN NPT và các ban chuyên môn của EVN. Ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch HĐTV EVN NPT cho biết, hiện nay giá truyền tải điện của Việt Nam là 86,4 đồng/kWh, chiếm khoảng 5,7% giá bán điện bình quân. So sánh với một số nước trên thế giới (chiếm khoảng 10 - 12% giá bán điện bình quân), thì giá truyền tải điện của Việt Nam thấp hơn rất nhiều.
"Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư xây dựng cũng như chi phí quản lý vận hành của EVN NPT. Với đề xuất sửa đổi cơ chế giá truyền tải điện của tư vấn ECA có nhiều điểm mới và cách tiếp cận hợp lý. Tuy nhiên, để hoàn thành được các chỉ tiêu thì giá truyền tải điện sẽ phải tăng lên đáng kể”, ông Đặng Phan Tường khẳng định.
Ông Hoàng Văn Tùy – Phó ban Tài chính Kế toán EVN cho biết thêm, theo Thông tư số 14/2010/TT-BCT ngày 15/4/2010 của Bộ Công Thương quy định phương pháp lập, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và quản lý giá truyền tải điện và Thông tư số 03/2013/TT-BCT ngày 19/1/2012 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 14, cách tính giá truyền tải được xác định theo công suất và điện năng.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, giá truyền tải điện chỉ được tính theo điện năng. Điều kiện hạn chế việc tính giá truyền tải theo công suất không thực hiện được là do việc tính toán dự báo công suất điện nhận tại các điểm nút không thống kê và dự báo được. Từ đó dẫn đến không thành công trong việc xác định giá truyền tải theo công suất và điện năng.
Bên cạnh đó, trong một năm khi giá truyền tải không phản ánh được hết chi phí, chắc chắn EVN NPT sẽ bị thua lỗ và năm sau nếu tăng giá để bù vào năm trước thì năm trước vẫn bị đánh giá là thua lỗ và được phản ánh trong bản cân đối kế toán. Điều này sẽ là trở ngại đối với EVN NPT trong trường hợp đàm phán, vay vốn của các tổ chức tín dụng.
Ông Đặng Hoàng An – Phó tổng giám đốc EVN còn đưa ra những đề xuất liên quan đến giá trị tài sản đưa vào điều tiết, chênh lệch tỷ giá, quản trị rủi ro, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, chu kỳ xác định doanh thu 5 năm, chi phí đấu nối, phương pháp định giá, cơ cấu giá truyền tải…
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bên liên quan, tư vấn ECA sẽ rà soát phương án tính toán giá truyền tải điện trong thời gian qua và mô phỏng tính giá truyền tải theo phương pháp mới, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất cho việc tính toán giá điện truyền tải trong tương lai.
Ông Hoàng Quốc Vượng – Chủ tịch HĐTV EVN:
Giá điện nói chung và giá truyền tải điện nói riêng là vấn đề lớn, nhạy cảm và khó khăn đối với EVN và EVN NPT. Thời gian qua, EVN đã cử nhiều đoàn công tác sang các nước nghiên cứu, tìm hiểu về cách tính giá điện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, giá điện và giá truyền tải điện liên quan chặt chẽ đến khả năng chi trả của khách hàng.
Vì vậy, để đảm bảo giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước cũng như phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng, trong thời gian tới, giá truyền tải điện cần phải được cập nhật phù hợp với chi phí, cũng như đảm bảo cho lĩnh vực truyền tải điện được hoạt động một cách bền vững.
|