Ngành Điện "lột xác" nhờ tái cơ cấu

Tính đến thời điểm này, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã bám sát lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ số 1782/QĐ-TTg giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, đến nay, Tập đoàn này đã gần như hoàn tất việc thoái vốn tại các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành và đang sắp xếp lại các DN thành viên để hoạt động sản xuất hiệu quả.

Tập trung vào ngành nghề chính

Theo đề án tái cơ cấu tập đoàn, EVN sẽ có 4 ngành, nghề kinh doanh chính gồm: 1- Sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; 2- Xuất nhập khẩu điện năng; 3- Đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; 4- Quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hóa thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện. Ngoài ra, EVN được kinh doanh các ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính. Vốn điều lệ của EVN (sau khi đánh giá lại tài sản) là 143.404 tỉ đồng.

Có 14 đơn vị thuộc EVN được giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động nằm trong cơ cấu Công ty mẹ gồm các công ty thuỷ điện đa mục tiêu là: Thủy điện (TĐ) Hòa Bình, Ialy, Trị An, Tuyên Quang, Cty Phát triển TĐ Sê San, TĐ Sơn La, Cty Mua bán điện, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các BQLDA TĐ 5, BQLDA TĐ Sơn La - Lai Châu, BQLDA điện hạt nhân Ninh Thuận... 9 DN do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có TCty Truyền tải điện Quốc gia; các tổng công ty Phát điện 1, 2, 3; 5 tổng công ty Điện lực làm nhiệm vụ phân phối điện năng. 5 DN do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và 6 DN EVN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Về thoái vốn đầu tư ngoài ngành, theo lộ trình đến hết năm 2015, EVN phải hoàn thành thoái vốn tại 1 NHTM (NHTMCP An Bình); Cty CP chứng khoán An Bình; Cty CP Bảo hiểm Toàn cầu; Cty CP Bất động sản Sài Gòn Vina; Cty CP Bất động sản Điện lực Miền Trung và Cty CP Đầu tư và Xây dựng Điện lực VN. Đến nay, EVN đang thực hiện thoái vốn một phần tại Cty CP Bảo hiểm Toàn cầu, chuyển nhượng cho Cty International ERGO 1 triệu cổ phần, giảm tỉ lệ sở hữu từ 22,5% xuống còn 20% vốn điều lệ, thu về 26 tỉ đồng; thoái vốn lần 1 tại Ngân hàng TMCP An Bình, chuyển nhượng cho Cty CP XNK Hà Nội (Geleximco) 25,2 triệu CP, giảm tỉ lệ sở hữu vốn điều lệ từ 24,3% xuống còn 16,02%, thu về 252 tỉ đồng; hoàn thành thoái toàn bộ vốn tại Cty CP Đầu tư và Xây dựng Điện lực VN thu về 5 tỉ đồng… Ngoài ra, 5 tổng công ty điện lực đã thực hiện thoái vốn tại 21 DN với tổng giá trị thoái vốn đạt 373,7 tỉ đồng.

Để tái cơ cấu thành công, ngành Điện còn nhiều việc phải làm

Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá

Bên cạnh trọng tâm thoái vốn ngoài ngành, đề án tái cơ cấu ngành Điện cũng nêu nhiệm vụ trong vòng 1 năm tới phải tạo được chuyển biến trong công tác CPH DN, đặc biệt là khâu phát điện. Hiện EVN đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng và hoàn thành Đề án cổ phần hóa các tổng công ty phát điện trình Bộ Công Thương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với dự kiến trong năm 2015 sẽ tiến hành cổ phần hóa (CPH) 1 tổng công ty phát điện. Ông Phạm Lê Thanh, TGĐ EVN cho biết: Việc thành lập 3 tổng công ty phát điện và chuẩn bị tiến hành CPH cũng nằm trong lộ trình thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Để cụ thể hóa mục tiêu này, trong 3 tổng công ty phát điện, tổng công ty nào hội đủ những điều kiện cần thiết để CPH thì sẽ tiến hành CPH trước.

Tuy nhiên, quyết tâm CPH của EVN không phải là không gặp khó khăn. Trên thực tế, do địa bàn hoạt động, các công ty phát điện hầu hết được phân bổ khắp các vùng miền trong cả nước, trong đó, các công ty thủy điện đều ở vùng sâu, vùng xa, gây khó khăn cho việc quản lý điều hành của Tập đoàn. Ngoài ra, việc đánh giá chính xác tài sản doanh nghiệp là vấn đề khó khăn, phức tạp. Hầu hết các nhà máy đều có số vốn đầu tư rất lớn lên đến hàng nghìn tỉ đồng, trừ một số nhà máy đã vận hành nhiều năm trước đây, đã khấu hao thì việc xác định giá trị còn lại một cách sát thực là cần thiết. Đặc biệt, việc CPH phải xác định được mệnh giá của cổ phần và tìm được các nhà đầu tư chiến lược có đủ điều kiện để mua số lượng cổ phần lớn cũng là việc không hề dễ dàng.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu phải đi đôi với tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, tập trung vào 7 nội dung như: Hoàn thiện hệ thống quy chế quản lý nội bộ; Sắp xếp lại tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành; Hoàn thiện công tác cán bộ, đào tạo nhân lực; Tăng cường kiểm soát nội bộ; Thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí; Tăng cường trách nhiệm của EVN thông qua người đại diện vốn tại doanh nghiệp... là những vấn đề không thể làm ngày một ngày hai.


  • 12/11/2014 07:46
  • Bài và ảnh: Theo Lao động Online
  • 2907


Gửi nhận xét