Đó là khẳng định của ông Kitabata Takuya – Giám đốc Trung tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Wakasa Wan, Nhật Bản) khi trao đổi với chúng tôi.
Ông Kitabata Takuya
|
PV: Hơn 3 năm sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân. Ông có thể cho biết rõ hơn tình hình này?
Ông Kitabata Takuya: Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (tháng 3/2011), tất cả các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản buộc phải dừng hoạt động, gây thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD cho nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản phải tăng ngân sách nhập khẩu các nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng như than đá, dầu mỏ... Do đó, tiền mua điện tại các hộ gia đình tăng lên 20%, khối doanh nghiệp, xí nghiệp tăng 30%.
Sau sự cố, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, đặc biệt Quy chế an toàn hạt nhân đã được bổ sung thêm một số điều khoản, chú trọng đến các biện pháp ứng phó với thảm họa thiên nhiên hoặc sự cố hạt nhân lớn không may xảy ra. Đồng thời, các nhà máy điện hạt nhân đã “bước” qua tuổi 40 bắt buộc phải được thẩm định lại, nếu đảm bảo yêu cầu về an toàn sẽ được “nâng” tuổi thọ lên 60 năm. Năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nhấn mạnh, phải đảm bảo an ninh, an toàn và yếu tố kinh tế của năng lượng. Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Motegi Toshimitsu cũng yêu cầu xem xét lại chính sách về năng lượng, không theo chủ trương xóa bỏ hoàn toàn điện hạt nhân.
Ngày 11/4/2014, kế hoạch năng lượng mới đã được Chính phủ Nhật Bản thông qua, khẳng định điện hạt nhân vẫn là nguồn năng lượng quan trọng. Đồng thời, nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 1,6% lên 5,8% vào năm 2020. Ngay sau đó, các nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản đã nhanh chóng hoàn tất các điều kiện để thẩm định an toàn, cũng như đạt được sự chấp thuận của công chúng nơi đặt nhà máy, trước khi xin phép tái khởi động từ Ủy ban Pháp quy hạt nhân Nhật Bản. Mới đây, ngày 10/9/2014, Ủy ban này đã ra tuyên bố, lò phản ứng số 1 và số 2 của Nhà máy điện hạt nhân Sendai do Công ty Điện lực Kyusu điều hành đã đáp ứng tiêu chuẩn mới về an toàn, phù hợp với điều kiện tái khởi động. Điều này đồng nghĩa, Nhà máy điện hạt nhân Sendai có triển vọng khởi động lại sau mùa đông năm nay, kết thúc tình trạng “không điện hạt nhân” thời gian qua tại Nhật Bản.
PV: Trong quá trình thông tin, tuyên truyền, để đạt được sự đồng thuận của công chúng, Nhật Bản đã gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Kitabata Takuya: Tại Nhật Bản, khoảng 10% người dân ủng hộ điện hạt nhân, 10% phản đối và 80% còn lại ở vị trí trung gian. Đối với nhóm người đã phản đối sẽ kiên quyết phản đối. Do vậy, việc tập trung tuyên truyền cho những người phản đối gần như không có ý nghĩa. Thay vào đó, Nhật Bản tập trung tuyên truyền đối với nhóm người ủng hộ và đặc biệt là làm thay đổi suy nghĩ, cách nhìn của 80% người dân ở nhóm trung gian. Vì vậy, hiện nay Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thông tin, tuyên truyền để đạt được sự đồng thuận của công chúng, làm cho người dân hiểu, thông cảm và “chấp nhận” điện hạt nhân.
PV: Như vậy, vai trò của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền rất quan trọng, thưa ông?
Ông Kitabata Takuya: Đúng vậy! Hiện nay, tại tỉnh Fukui có Trung tâm Thông tin Điện hạt nhân “At home”. Khoảng 90% người dân đến thăm quan, tìm hiểu về điện hạt nhân tại Trung tâm này đều đi cùng gia đình. Bên cạnh đó, tại các Nhà máy điện hạt nhân đều có Trung tâm Quan hệ cộng đồng, thường xuyên bố trí xe buýt đưa đón người dân đến thăm quan. Do vậy, nếu những người làm công tác thông tin, truyền thông tốt sẽ nhanh chóng “lôi kéo” được sự ủng hộ của 80% số người dân đang ở nhóm trung gian và củng cố thêm niềm tin của 10% số người dân ở nhóm ủng hộ. Tuy nhiên, đối với 10% số người dân ở nhóm phản đối thường có nhiều hoạt động chống phá, vì vậy đội ngũ tuyên truyền viên cần phải có phương pháp thông tin, tuyên truyền hiệu quả, mềm dẻo hơn, tránh gây kích động.
Trong quá trình làm công tác thông tin, tuyên truyền để đạt được sự đồng thuận của công chúng, cần kết hợp giữa các công ty điện lực với chính quyền và người dân địa phương. Bởi nếu chỉ có các công ty điện lực dễ tạo ấn tượng một chiều. Thay vào đó, khi các tuyên truyền viên về điện hạt nhân là lãnh đạo và người dân địa phương sẽ tạo cảm giác tin tưởng hơn. Để làm được điều này, nguồn nhân lực phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về điện hạt nhân cần phải được lựa chọn từ những người đáng tin cậy và được đào tạo cơ bản để truyền thông đạt được sự đồng thuận của công chúng một cách hiệu quả.
Mô hình mô phỏng lò phản ứng hạt nhân tại Trung tâm Quan hệ công chúng Nhà máy điện hạt nhân Mihama (Nhật Bản)
|
PV: Theo ông, liệu Việt Nam có thể học theo kinh nghiệm này từ tỉnh Fukui, Nhật Bản?
Ông Kitabata Takuya: Tỉnh Fukui đã có 50 năm kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân, thành công và thất bại chúng tôi đều đã trải qua. Để có thể học hỏi từ những sai lầm của các quốc gia khác không phải là dễ dàng, bởi mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thông tin, tuyên truyền để đạt được sự đồng thuận của công chúng về điện hạt nhân cho Việt Nam. Trên cơ sở đó, các tuyên truyền viên sẽ vận dụng phù hợp với đặc thù của Việt Nam, trước mắt là cho hai dự án điện hạt nhân đầu tiên đặt tại tỉnh Ninh Thuận.
PV: Xin cảm ơn ông!