Nhìn từ Tam Phước
Cách đây 3 năm, hệ thống lưới điện ở xã Tam Phước còn chắp vá, không được đồng bộ, cả đường dây trung thế và hạ thế đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tỷ lệ tổn thất điện năng khá lớn. Cả xã tồn tại 2 đơn vị quản lý, kinh doanh điện là HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Phước 1 và Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Nam. Lưới điện của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Phước 1 do nguồn vốn của HTX và nhân dân địa phương đóng góp từ thập niên 80 thể kỷ trước, trong thời gian dài không được cải tạo, nâng cấp nên đã xuống cấp trần trọng, tỷ lệ tổn thất điện năng lên tới 30-40%.
Còn ½ xã do Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Quảng Nam quản lý, lưới điện đầu tư từ nguồn vốn OPEC ở những năm mới đây nên rất đồng bộ, cung cấp điện cho các hộ dân nằm trên các trục chính. Còn nhiều hộ dân nằm ở các vùng thưa thớt, vẫn bị thiếu điện. Nhìn chung, lưới điện ở xã Tam Phước ở 3 năm về trước chủ yếu là cung cấp điện sinh hoạt, còn cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế thì rất thiếu.
Sau 3 năm kể từ khi được chọn là một trong 11 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM), Tam Phước đã có nhiều thay đổi. Riêng về đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện đã là một “kỳ tích”. Năm 2010, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, PC Quảng Nam đã đầu tư gần 11 tỷ đồng mở rộng và nâng cấp 11,7 km đường dây trung thế, 32,3 km đường dây hạ thế và lắp đặt 8 trạm biến áp; đồng thời tiến hành thay mới 1.842 công tơ, bán điện trực tiếp cho 1.900 hộ dân, đạt 100% số hộ có điện lưới quốc gia.
Ngoài đầu tư điện sinh hoạt, PC Quảng Nam còn đầu tư mở rộng lưới điện cho Cụm công nghiệp Phú Mỹ đi vào hoạt động và các khu chăn nuôi chế biến thức ăn gia súc. Theo ông Võ Thanh Anh, Chủ tịch UBND xã Tam Phước: "Chính nhờ sự đầu tư của ngành Điện, hệ thống lưới điện xã Tam Phước đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoàn thành tiêu chí về điện trong xã xây dựng NTM”.
Cơ cấu kinh tế, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng của Tam Phước tăng lên 37,24%, nông nghiệp từ chỗ chiếm tỷ trọng kinh tế chính, nay giảm chỉ còn 34,49%, thương mại - dịch vụ đạt 28,27%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,91% (giảm 8,63%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 19,2 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng so với năm 2008, gấp 1,4 lần so với mức bình quân chung khu vực nông thôn tỉnh Quảng Nam.
Việc cải thiện chất lượng điện đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí khác về xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam
|
Khó khăn về vốn
Lợi ích đem lại từ đảm bảo tiêu chí nông thôn mới về điện rất rõ ràng. Tuy nhiên, để hoàn thành tiêu chí này ngành Điện Quảng Nam đang rất thiếu vốn đầu tư. Đến thời điểm này, cần phải có hơn 1.000 tỷ đồng cải tạo nâng cấp mở rộng hệ thống lưới điện mới đảm bảo thực hiện thành công toàn diện về điện trong Chương trình NTM ở Quảng Nam.
Từ nay đến cuối năm 2014, Tổng công ty Điện lực miền Trung đang tập trung đầu tư triển khai Dự án Cải tạo lưới điện cho 38 xã với số tiền lên tới 141,6 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và 9 xã với số tiền 47,7 tỷ đồng vay từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW). Như vậy, trong số 50 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, có 10 xã của Quảng Nam được EVN CPC đầu tư. Ngoài ra, còn có Dự án RE2 mở rộng do tỉnh Quảng Nam đầu tư trên địa bàn 14 xã, tổng mức đầu tư 79 tỷ đồng hiện đang trong giai đoạn thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Dự án ADB mở rộng đầu tư cải tạo lưới điện cho 122 xã, với tổng mức đầu tư 288 tỷ đồng hiện đang trong giai đoạn khảo sát, lập dự án đầu tư, dự kiến triển khai trong 2 năm 2014 - 2015.
Với nguồn vốn trên so với tổng nguồn vốn đầu tư thì mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu vốn cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện ở Quảng Nam. Số vốn còn thiếu vẫn khá lớn, chủ yếu đầu tư, mở rộng “ phủ điện” lại rơi vào ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc PC Quảng Nam, việc đầu tư cho một xã đồng bằng đạt tiêu chí NTM về điện, Nhà nước phải đầu tư trung bình từ 8 đến 12 tỷ đồng.
Ðối với địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, con số này còn cao hơn. Thậm chí, cá biệt có địa bàn vùng xa, dân cư sống không tập trung, nếu đầu tư lưới điện hoàn chỉnh thì suất đầu tư cho một hộ có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Tất cả nguồn vốn đầu tư cho các công trình điện hiện nay, chủ yếu dựa vào từ nguồn vốn vay thương mại, nhưng tình hình chung là kinh doanh điện nông thôn, miền núi hiệu quả kinh doanh rất thấp, chủ yếu phục vụ cho nên việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp khó khăn.
Theo ông Vinh, việc xây dựng việc xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Trong đó, tiêu chí về điện cần vốn đầu tư khá lớn, ngành Điện rất khó vay vốn thương mại do đầu tư lưới điện nông thôn sinh lợi thấp. Vì vậy, tỉnh Quảng Nam cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi để tập trung đầu tư, nâng cấp cải tạo lưới điện, nhằm bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của các xã xây dựng NTM và sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM ở Quảng Nam.