Giải quyết tồn tại về giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải: Vướng từ quản lý đất đai

Theo đánh giá của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT ), kể từ khi một dự án truyền tải khởi công xây dựng thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) quyết định tới 90% tiến độ hoàn thành đóng điện công trình.

Riêng trong năm 2016, công tác bồi thường GPMB đã ảnh hưởng tiến độ tới 20% dự án đang thi công. Mà một trong những vướng mắc căn bản của công tác này chính là khâu quản lý đất đai, đô thị tại địa phương còn chưa chặt chẽ . 

Thực tế triển khai các thủ tục để xây dựng các dự án truyền tải điện, các Ban Quản lý dự án thay mặt EVNNPT quản lý dự án đều có chung nhận xét là hiện nay, công tác quản lý đất đai tại một số địa phương vẫn còn bất cập nên ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường GPMB. Nguyên do nhiều hộ dân đã khai phá, sản xuất, canh tác đất từ trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp với các hộ khác và cũng không có tổ chức, đơn vị quản lý nào của địa phương có ý kiến nhưng vẫn không được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Trạm biến áp 220 kV Tuy Hòa

Ông Châu Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý xây dựng EVNNPT cho rằng: “Để người dân sử dụng đất sai mục đích nhưng không cương quyết ngay từ đầu; để người dân giao dịch, mua bán nhưng cơ quan quản lý không biết nên hồ sơ địa chính đất đai không thay đổi phù hợp; có hiện tượng cấp chính quyền bên dưới ban hành các quyết định sai thẩm quyền đến khi thực hiện thủ tục thu hồi đất và bồi thường cấp trên mới biết”. 

Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) cho biết, khi địa phương xác định nguồn gốc đất để bồi thường GPMB cho dự án triển khai thì yếu tố giấy tờ về đất được đưa lên hàng đầu. Đến đây, UBND các xã đều xác định rằng, các hộ dân không có giấy tờ gì để chứng minh và đây là đất do xã quản lý. Tuy nhiên, UBND các xã lại không giao đất cho chủ dự án xây dựng công trình (do dân đang canh tác, sử dụng). Do đó, việc giải quyết thường kéo dài vì phải báo cáo nhiều cấp xin ý kiến, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. 

Trong khi đó, có những khu đất kéo dài khiếu nại giữa các hộ đến hơn 10 năm vẫn chưa giải quyết xong. Khi dự án triển khai, không xác định được thu hồi của chủ nào. 
Sự khác biệt giữa diện tích thực tế và giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là một tồn tại trong công tác GPMB. “Mặc dù diện tích chiếm đất tại vị trí móng rất nhỏ so với thửa đất hiện hữu. Tuy nhiên, chỉ sự sai khác nhỏ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc xác nhận nguồn gốc và trình Phương án bồi thường”, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết.

Thực tế cũng cho thấy, trong giai đoạn biến động đất đai, các chủ đất ở rất xa (có thể ở tỉnh khác) mua đất và không sử dụng hay chuyển nhượng qua nhiều người dưới hình thức Hợp đồng chuyển nhượng, nên địa phương không quản lý được. Việc tìm ra chủ đất có khi là không thể. 

Bên cạnh đó, người đứng tên trên giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất thay cho chủ chính thức cũng là một thực tế vướng mắc. Đơn cử như con cháu ở nước ngoài đầu tư đất tại Việt Nam, nhưng người thân (Cha mẹ, anh chị) đứng tên, nên khi thương thảo rất khó và tính hợp tác rất thấp. Trường hợp này họ mua để đầu tư, kinh doanh, với nhiều mong đợi khác nhau, nay dự án đi qua là điều không mong muốn, ảnh hưởng đến cả kế hoạch lớn của gia đình, nên rất khó thương lượng giá bồi thường. 

Một vấn đề nữa liên quan đến quản lý đất đai là vào những thời gian trước đây, rất nhiều nông trường tự giải thể nên các hộ dân đã xây nhà, tự canh tác, sản xuất nông sản trên đất của nông trường. Họ ở đây đã rất lâu, nhiều thế hệ con cái đã sinh sống nhưng trên bản đồ quản lý đất đai của địa phương vẫn là đất nông trường quản lý, không cấp giấy tờ đất cho bất kỳ hộ nào. Có những trường hợp đã chuyển nhượng đất, nhà, cây cối cho nhau dưới hình thức bán trao tay từ rất lâu. Khi xét nguồn gốc đất để bồi thường là rất phức tạp 

Một thực tế cũng đang diễn ra là một số khu vực rừng phòng hộ ở rất gần khu dân cư, ranh giới giữa rừng và khu dân cư không rõ ràng và việc quản lý đất rừng phòng hộ buông lỏng trong thời gian dài nên các hộ dân đã xây nhà, canh tác tại các bìa rừng phòng hộ, liên hoàn với khu dân cư hiện hữu lúc đó. Cơ quan quản lý không có văn bản hay biên bản xử phạt nên rất khó khăn khi bồi thường hỗ trợ. 

“Nếu chuyển hết tiền bồi thường cho Ban Quản lý rừng, các hộ dân sẽ không cho kéo dây qua đất họ đang sử dụng vì Ban Quản lý rừng không can thiệp được. Còn nếu trả tiền cho dân là trả tiền cho người không có giấy tờ pháp lý liên quan đến đất”, đại diện CPMB cho biết. 

Trưởng ban Quản lý xây dựng EVNNPT, ông Châu Anh Tuấn cho hay, công trình truyền tải điện có những đặc thù so với nhiều công trình khác làm cho công tác bồi thường GPMB gặp khó khăn, như: một công trình đi qua nhiều tỉnh, huyện xã nên phải làm việc đồng thời với rất nhiều đơn vị chính quyền tỉnh, huyện, nhiều hội đồng bồi thường; sử dụng nhiều loại đất khác nhau như đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; diện tích sử dụng đất có thể nhỏ nhưng hành lang an toàn lại ảnh hưởng rất lớn và cùng với rất nhiều loại đất và tài sản khác nhau.

Theo ông Châu Anh Tuấn, bồi thường GPMB liên quan đến quá nhiều chủ thể với những lợi ích đan xen khác nhau, vì vậy chỉ cần một chủ thể không có ý thức trách nhiệm đúng theo quy định của luật định là công việc sẽ kéo dài.


  • 26/11/2016 08:18
  • Theo TTXVN
  • 12381