Ngược dòng” 37 năm, chuyến khảo sát đầu tiên
Hẹn tôi 9h sáng, thế mà chưa đến 9h, ông đã đứng đợi tôi từ ngoài cửa. Nhìn tác phong nhanh nhẹn, bước đi thanh thoát, tôi không thể hình dung được, đứng trước mình là một người đã vượt xa tuổi xưa nay hiếm.
Phòng làm việc của T.S Lê Quang Diện chỉ rộng chừng 15m2, nhưng việc sắp xếp tài liệu một cách khoa học đã làm cho căn phòng như thoáng đãng và rộng rãi hơn. Trên giá sách với nhiều đầu sách đã cũ, có một cuốn album ảnh với bìa vải đã sờn. Ông với tay lấy cuốn album xuống, giở cho tôi xem từng trang kèm theo những lời giải thích về xuất xứ. Ông dừng lại lâu nhất ở một bức ảnh đã có những vết ố vàng. Trong ảnh là 6 người cùng đoàn chụp chung dưới gốc cây cổ thụ mà phía sau là cả cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Đó là chuyến đi khảo sát chính thức đầu tiên về dòng sông Đà, phục vụ công trình Thủy điện Sơn La mà ông và các đồng nghiệp thực hiện vào tháng 11/1975.
Khảo sát tuyến và thăm dò địa chất dự án Thủy điện Sơn La - Ảnh Ban A Sơn La
|
Và cứ thế, trong cái tiết trời thu Hà Nội se lạnh, những ký ức từ xa xưa cứ ùa về trong ông. Câu chuyện giữa tôi và ông là câu chuyện tâm tình giữa 2 thế hệ, một trẻ một già. Một người vừa là nhân chứng, vừa là người góp phần làm nên lịch sử vẻ vang của ngành Thủy điện Việt Nam và một người thuộc thế hệ đi sau, non nớt cả về tuổi đời, tuổi nghề và vô cùng khâm phục chiến công của những người đi mở lối, chuẩn bị cho bước phát triển thần kỳ của ngành Thủy điện Việt Nam sau này.
Tiến sỹ Lê Quang Diện:
- Nguyên là Phó viện trưởng Viện năng lượng và Điện khí hóa (Bộ Năng lượng 1983-1988); Phó giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1 (Bộ Năng lượng 1989-1998)
- Chủ nhiệm công trình Thủy điện Sơn La giai đoạn luận chứng kinh tế kỹ thuật (nghiên cứu tiền khả thi)
- Là người trực tiếp kiến nghị phương án Sơn La thấp mực nước dâng bình thường là 215m – công suất lắp máy 2.400 MW như hiện nay thay vì phương án Sơn La cao.
- Hiện, ông là Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai công nghệ Năng lượng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
|
|
Ông kể, chuyến đi tháng 11/1975 là chuyến khảo sát thực tế đầu tiên làm cơ sở lập thuyết minh tổng quan về việc tiếp tục phát triển các nhà máy thủy điện trên sông Đà. Mục đích của chuyến đi là làm sáng tỏ quan hệ tác động tương hỗ của công trình Thủy điện Hòa Bình khi hình thành Thủy điện Sơn La, cũng như đánh giá khả năng xây dựng các công trình thủy điện trên sông Đà.
Cầm cuốn Tuyển tập thuyết minh tổng quan thủy điện trên sông Đà, T.S Lê Quang Diện chỉ tay vào từng điểm được đánh dấu cụ thể trên từng tấm bản đồ được tô màu chính xác. Ông giải thích thêm: Trong cả đoạn sông dài hàng trăm km ấy, chúng ta chưa thể biết đặt công trình Thủy điện Sơn La ở chỗ nào. Do vậy, việc đầu tiên là phải đi khảo sát, xem xét địa hình của toàn khu vực mà khúc sông chảy qua. Ngoài ra, cũng phải khảo sát thực địa xem khu vực xung quanh đó có đủ điều kiện bố trí mặt bằng thi công, khu phụ trợ phục vụ cho công trường xây dựng hay không. Do các thiết bị khảo sát còn thô sơ, nên phần lớn các thông số thu thập được là nhờ sự quan sát bằng mắt thường, vẽ lại bằng tay.
Tiến sỹ Lê Quang Diện (thứ 2 từ trái sang) và đoàn chuyên gia Liên Xô trong một chuyến khảo sát sông Đà phục vụ xây dựng Thủy điện Sơn La - Ảnh CTV
|
Ông Diện kể lại chuyến khảo sát hồi đó. Đoàn xuất phát từ Hà Nội bằng ô tô. Mỗi người đều phải mang theo lỉnh kỉnh nhiều thứ thiết yếu như, xoong, nồi, gạo, muối... Phía sau xe còn chở thêm một thùng xăng to, vì ông bảo, hồi đó chưa có xăng bán lẻ như bây giờ. Mỗi khi xe sắp hết xăng là anh em lại hò nhau vần thùng xăng xuống đổ vào bình chạy tiếp. Đường đi Tây Bắc xa ngái, gập ghềnh, xóc kinh khủng. Ngồi trên xe vừa hít đủ bụi đường vừa “thưởng thức” mùi xăng nồng nặc, nếu là người sức khỏe yếu thì chắc không thể trụ nổi. Xe chạy liên tục gần 2 ngày trời thì lên đến bản Tà Hè (thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La bây giờ). Đến nơi thì trời cũng đã nhá nhem tối, anh em chia nhau đi tìm nhà dân ngủ nhờ.
Nhớ lại những ngày tháng đó, ông bồi hồi xúc động: Hồi ấy, sao người dân tốt thế. Khi nghe có đoàn lên khảo sát sông Đà, xây thủy điện, chế ngự thiên nhiên, bà con dân tộc vui mừng khôn xiết, tận tình giúp đỡ nơi ăn, chốn ở cho đoàn. Có thành viên trong đoàn, do không quen với thời tiết, nên bị lở loét khắp người, bà con không hề quản ngại, vừa cho ngủ nhờ, vừa trực tiếp bào chế thuốc chữa trị bệnh cho cán bộ.
Ngủ nhờ nhà dân 1 đêm. Sáng hôm sau, đoàn nhờ bà con thuê giúp một chiếc thuyền và 2 tay chèo người địa phương. Theo trí nhớ của ông, dòng sông Đà hồi ấy chưa hiền hòa như bây giờ mà hung dữ lắm. Hàng trăm km dọc theo sông Đà đầy rẫy những hiểm nguy rình rập dưới dòng nước cuồn cuộn. Có những đoạn thuyền đi qua mà đá ngầm chỉ cách mặt nước chưa tới 1 mét, chỉ một chút sơ sẩy và thiếu kinh nghiệm của người chèo thuyền sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Những thiết bị máy móc đầu tiên để thực hiện mở lối Thủy điện Sơn La - Ảnh Ban A Sơn La
|
Lênh đênh trên thuyền dọc theo dòng sông Đà mấy ngày liền, hễ đến đoạn nào có địa thế phù hợp cho việc xây thủy điện thì Đoàn lại dừng chân khảo sát và ghi chép các thông số cần thiết.
Ông Diện nhớ như in Pá Vinh hồi ấy - bây giờ là địa điểm xây dựng công trình chính của Thủy điện Sơn La - rất hẻo lánh và heo hút, không một bóng người. Khi thuyền đến Pá Vinh, Đoàn dừng lại khảo sát khoảng 5 tiếng đồng hồ, lâu hơn nhiều so với các điểm dừng khác. 5 giờ khảo sát đủ cho đoàn có cái nhìn tổng thể ban đầu về địa điểm này. Ngay khi đặt chân đến khu vực này, nhiều thành viên trong đoàn đã có chung cảm nhận, cùng với Tạ Bú thì Pá Vinh khá phù hợp với việc xây dựng đập thủy điện.
Và bước quyết định cho dự án Thủy điện Sơn La hôm nay
Chuyến đi khảo sát đầu tiên này cùng với nhiều chuyến đi tiếp theo của ông lên sông Đà vào những năm 80, 90 thế kỷ trước đã củng cố thêm căn cứ để đơn vị tư vấn đề xuất với Nhà nước lựa chọn quy mô xây dựng Thủy điện Sơn La như hiện nay. Đó là mực nước dâng bình thường 215m, tổng công suất 2.400 MW.
Sau chuyến đi lịch sử tháng 11/1975, những năm sau này, để lập luận chứng kinh tế kỹ thuật, T.S Lê Quang Diện cùng cộng sự còn nhiều lần lên những khu vực như Bản Dôn, Pa Vinh, Tạ Bú, Bản Pẩu, Bản Tả, Tạ Khoa... Đã có những đoàn chuyên gia Việt - Nga, trên đường đi khảo sát sông Đà bị lật thuyền vì lốc xoáy, có người đã phải hy sinh tính mạng. Quả thực, cũng không quá lời khi nói rằng, để có được công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất khu vực Đông Nam Á như ngày hôm nay, một phần không nhỏ nhờ công sức và cả sự hy sinh của những người tiên phong đi khảo sát, mở lối….
Nhật ký thiết kế kỹ thuật Thủy điện Sơn La:
- Ngày 11/12/2004: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ban hành cơ chế quản lý thực hiện dự án đầu tư Thủy điện Sơn La cho phép triển khai sớm và toàn diện công tác chuẩn bị thi công trên công trường
- Ngày 19/1/2004: Quy hoạch Tổng mặt bằng thi công đợt 1 được Bộ Công nghiệp phê duyệt
- Tháng 6/2004: Thiết kế kênh dẫn dòng đợt 1
- Tháng 10/2004: Thiết kế kênh dẫn dòng toàn bộ
- Tháng 1/2005: Thiết kế kỹ thuật cống dẫn dòng
- Ngày 28/1/2005: Quy hoạch Tổng mặt bằng thi công đợt 2 được phê duyệt
- Ngày 1/8/2005: Thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 được Bộ Công nghiệp phê duyệt.
- Ngày 05/7/2006: Quy hoạch Tổng mặt bằng thi công đợt 3 được phê duyệt.
- Ngày 21/7/2006: Thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 được Bộ Công nghiệp phê duyệt.
|
Ông Lê Bá Nhung - Nguyên giám đốc Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1, Chủ nhiệm thiết kế kỹ thuật công trình Thủy điện Sơn La:
Đột phá nhờ sáng tạo, dám làm, dám chịu
Trước khi bắt tay vào thiết kế kỹ thuật Thủy điện Sơn La, tôi cùng một số anh em sang Vân Nam – Trung Quốc, ngược theo dòng sông Đà đến tận điểm khởi nguồn của con sông này, nơi 2 nhánh Bả Biên Giang và A Mặc Giang (Trung Quốc) hợp thành. Qua đó, chúng tôi nhìn nhận thực tế và phán đoán khả năng xây dựng bậc thang thủy điện của phía bạn để làm cơ sở cho những tính toán và phương án khi đưa vào thiết kế kỹ thuật công trình Thủy điện Sơn La.
Với vai trò Chủ nhiệm thiết kế kỹ thuật của dự án Thủy điện Sơn La, tôi cùng các anh em đã đề xuất phương án sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn vào thi công. Vào những năm 2000, khi nói đến công nghệ bê tông đầm lăn, có cảm giác còn lạ lẫm lắm. Các nước trên thế giới đã áp dụng rồi, nhưng Việt Nam thì chưa có công trình nào sử dụng phương pháp này. Lường trước những khó khăn như vậy, nên chúng tôi đã thành lập hệ thống thí nghiệm với đầy đủ phương tiện, phương pháp thí nghiệm, các tài liệu và phần mềm tính toán… Những thông số, kết quả khoa học đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt của phương pháp bê tông đầm lăn so với phương pháp bê tông thông thường CVC. Cuối cùng, Tư vấn thiết kế đã bảo lưu được quan điểm của mình trước các Hội đồng khoa học, đơn vị thẩm định dự án của nước ngoài và nhận được sự chấp thuận của phía cơ quan nhà nước.
Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Thủy điện Sơn La, các chuyên gia tư vấn thiết kế của Việt Nam và Liên bang Nga đều thống nhất tuyến Tạ Bú được ưu tiên xem xét là nơi đặt công trình chính. Tuy nhiên, khi tiến hành thiết kế kỹ thuật, chúng tôi đã đề xuất chọn tuyến Pá Vinh thay vì Tạ Bú vì có thể giảm tác động môi trường, giảm số lượng dân cư phải di dân lên tới 1 vạn người.
Trong quá trình thi công, xây lắp, do địa hình không thuận lợi cho việc thiết kế trạm phân phối ngoài trời, nên chúng tôi tiếp tục đề xuất thay thế bằng trạm phân phối cửa kín (GIS) chiếm diện tích nhỏ, hiệu suất làm việc cao hơn, lắp đặt nhanh. Những sáng kiến và đề xuất trên tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm của đội ngũ tư vấn, thiết kế đã góp phần rút ngắn thời gian, giảm khối lượng cho các đơn vị thi công trực tiếp trên công trường, qua đó đưa Thủy điện Sơn La về đích sớm.
|