Giật mình với nạn ăn cắp điện

Theo thống kê, mỗi năm TP.HCM bị mất hơn 18 triệu kWh điện do nạn ăn cắp điện, tương đương số tiền thiệt hại khoảng 32 tỉ đồng/năm. Tình trạng này ngày càng gia tăng.

Nhiều cách thức tinh vi

Hàng ngàn vụ vi phạm
Trong 8 tháng đầu năm nay, ngành Điện đã lập 1.341 biên bản kiểm tra sử dụng điện, xử lý 1.319 biên bản và truy thu 947 trường hợp khách hàng gian lận sử dụng điện.

Tổng lượng điện năng bị gian lận là 7,53 triệu kWh, tương đương số tiền gần 15,5 tỉ đồng.

Trong năm 2010, TP.HCM cũng phát hiện và truy thu 2.653 trường hợp, tương ứng điện năng bồi thường 15,84 triệu kW và số tiền 31,3 tỉ đồng

Ngày 15.9, Tổng công ty (TCT) Điện lực TP.HCM cho biết, thời gian qua, để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt ngày càng tăng, một số khách hàng đã sử dụng biện pháp tiêu cực là câu trộm điện và sử dụng các thiết bị làm sai lệch khả năng đo đếm của điện kế. Số vụ vi phạm về trộm cắp điện được ngành điện phát hiện và lập biên bản trong vài năm gần đây lên đến hàng ngàn trường hợp.

Theo thống kê, đối tượng gian lận điện chủ yếu là sinh hoạt gia đình, chiếm gần 95% tổng số vụ và hơn 90% tổng số điện năng truy thu từ các vụ vi phạm sử dụng điện. Phần lớn các hộ gian lận đều sử dụng các loại máy móc hiện đại, tiêu hao nhiều điện năng như tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa... Ngoài ra, còn có các đối tượng sử dụng điện với mục đích sản xuất và kinh doanh dịch vụ (sắt, kem, nước đá, đông lạnh, karaoke, bi-da máy lạnh, internet...). Tuy số vụ vi phạm của đối tượng này ít hơn so với đối tượng thắp sáng sinh hoạt, nhưng điện năng bị mất lại rất lớn.

Các hình thức ăn cắp điện ngày càng tinh vi, khó phát hiện và dễ phi tang khi bị phát hiện. Rất nhiều trường hợp sử dụng rờ-mốt để ăn cắp điện từ xa, khi bị kiểm tra là lập tức ngắt nguồn, hoặc giấu thiết bị ăn cắp điện trong tủ, dưới giường, chôn dưới đất, đặt trên mái nhà... Thậm chí, thời gian qua, còn có nhiều trường hợp thiết bị ăn cắp điện được đặt âm trong tường nhà, nghĩa là người dân đã tính tới việc ăn cắp điện từ trước khi xây nhà. Lưới điện tại một số khu vực chưa hoàn chỉnh (nhánh dây kéo ngang gần ban-công nhà, nhánh dây mắc điện có mối nối...) cũng tạo điều kiện cho một số đối tượng lợi dụng để câu móc sử dụng.

Khách hàng ăn cắp điện bằng máy tạo dòng tại Q.Tân Bình.

Giấu thiết bị ăn cắp điện trong phòng ngủ...

...dưới hầm.

...trên trần nhà

Chưa thể xử lý hình sự

Ông Nguyễn Tự Hùng - Giám đốc Công ty Điện lực Tân Bình cho biết, một số quy định hiện hành gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp ăn cắp điện. Chẳng hạn, nhân viên điện lực không có thẩm quyền khám xét nhà khách hàng nên rất khó khăn trong việc bắt quả tang hành vi gian lận. Trong quá trình tác nghiệp, nhân viên điện lực thường xuyên bị khách hàng vi phạm làm khó dễ, thậm chí đã có trường hợp bị khách hàng hành hung.

“Theo quy định, mọi hành vi gian lận đều phải được bắt quả tang. Các trường hợp khách hàng cắt niêm chì, đục lỗ điện kế để gian lận điện nếu không bắt tận tay thì cũng chỉ có thể xử phạt khách hàng về việc không bảo quản tốt điện kế. Theo chỉ đạo chung của TCT, chúng tôi đang khoanh vùng một số khu vực có hiện tượng ăn cắp điện để tiến hành đưa điện kế ra bên ngoài nhà nhằm tiện việc theo dõi”, ông Hùng nói.

Một bất cập khác là, theo quy định, những trường hợp trộm cắp điện với số lượng trên 500 kWh, ngành Điện sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, thời gian qua, tất cả các trường hợp này đều được trả về với lý do không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp ăn cắp điện với giá trị từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng vẫn chưa được xử lý đúng mức, trong khi theo Bộ luật Hình sự thì ăn cắp từ 2 triệu đồng trở lên đã bị truy cứu hình sự.

Chẳng hạn, hiện Công ty Điện lực Tân Bình đang khởi kiện một trường hợp khách hàng kinh doanh khách sạn trên đường Bế Văn Đàn (P.14, Q.Tân Bình) ra tòa vì hành vi sử dụng nam châm làm đứng điện kế, gian lận khoảng 800.000 kWh điện, tương đương số tiền 1,7 tỉ đồng. Trước đó, ngành Điện đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Công an Q.Tân Bình đề nghị xử lý hình sự, nhưng bị trả lại vì lý do “không đủ chứng cứ".

Thiết bị tiết kiệm điện hay ăn cắp điện?

Hiện trên địa bàn TP.HCM bày bán nhiều loại thiết bị được cho là “tiết kiệm điện” nhưng thực chất là để hỗ trợ việc lấy cắp điện, trong đó phổ biến nhất là máy tạo dòng. Về hình dạng, máy tạo dòng giống như máy ổn áp, biến áp gia dụng, có nguyên lý hoạt động là tạo ra dòng điện ngược pha với nguồn điện sản sinh ra nó, từ đó có tác động làm quay ngược hoặc đứng điện kế. Ngoài ra, có một số hình thức lấy cắp điện khác như dùng nam châm có từ trường lớn để làm đứng điện kế, phá chì niêm phong để tác động vào cơ cấu đo đếm bên trong vỏ của điện kế, khoan lỗ vỏ để chặn đĩa của điện kế...

Theo ông Nguyễn Tự Hùng, với các loại thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện này, chỉ có thể có 2 trường hợp: một là quảng cáo sai sự thật, hai là trong trường hợp tác động làm sai lệch điện kế thì đây chính là thiết bị ăn cắp điện.

 


  • 19/09/2011 04:52
  • Theo Báo Thanh niên
  • 4852


Gửi nhận xét