Để góp phần thực hiện thành công Quy hoạch điện VII, về cơ chế giá bán điện cần sớm vận hành thị trường điện cạnh tranh và thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường - Ảnh: Ngọc Thọ
|
Thực hiện quy hoạch điện VI - Chậm tiến độ do thiếu vốn
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mức tăng trưởng nhu cầu điện ở VN trong nhiều năm cho đến nay vẫn cao nhất nhì khu vực Đông và Nam châu Á. Cụ thể, nhu cầu điện của Việt Nam đã tăng trung bình 14%/ năm trong giai đoạn 2006 -2010. Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện đến năm 2010 là khoảng 20.600 MW, nếu kể cả 950 MW nhập khẩu từ Trung Quốc thì tổng công suất nguồn vào khoảng 21.500 MW, tăng gấp 3,2 lần so với 10 năm trước và 1,78 lần so với năm 2005.
Tuy nhiên, tổng công suất nguồn xây dựng và đưa vào vận hành là 10.000 MW, chỉ đạt gần 70% so với công suất dự kiến đưa vào trong Quy hoạch điện VI (14.581 MW), lưới điện truyền tải cũng chỉ đạt trên dưới 50% so với quy hoạch.
Theo Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) Phạm Mạnh Thắng, nguyên nhân chính của việc không đạt được khối lượng quy hoạch nguồn - lưới là do hầu hết các dự án điện đều thiếu vốn. EVN cũng như các nhà đầu tư khác đều gặp khó khăn trong việc huy động vốn, kể cả vốn vay trong nước lẫn nước ngoài. Việc chuẩn bị mặt bằng, hành lang tuyến, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại các dự án gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy thời gian xây dựng kéo dài.
Ngoài ra, việc đầu tư chế tạo các thiết bị điện trong nước chưa theo kịp nhu cầu, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào thiết bị nhập ngoại. Hầu hết thiết bị của nhà máy điện, các thiết bị bảo vệ lưới, cách điện cao áp…đều phải nhập bằng ngoại tệ. Nhập khẩu than cũng là một vấn đề nan giải khi các nhà cung cấp than lớn như Australia, Indonexia đã có thị trường và chưa thể cân đối lượng than bán cho Việt Nam. Do vậy, một số nhà máy nhiệt điện than miền Nam phải thay đổi thiết kế, chuyển sang sử dụng than trong nước.
Theo ý kiến của đại diện các Tập đoàn tham gia đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, giá bán điện dù đã điều chỉnh 3 lần trong giai đoạn 2006 – 2010, nhưng mức giá hiện nay còn thấp, chưa đủ đề vừa bù đắp được chi phí sản xuất vừa có tích lũy để tái đầu tư. Giá bán điện chưa hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia thị trường phát điện.
Thực hiện Quy hoạch điện VII: Cần cơ chế đặc thù và mức độ ưu tiên
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Để chuẩn bị và hướng tới thị trường điện trong thời gian tới, việc ban hành các cơ chế ưu tiên cần được xem xét kỹ lưỡng để có những hỗ trợ một cách phù hợp.
Cụ thể, để thực hiện thành công Quy hoạch điện VII, về cơ chế giá bán điện, cần sớm vận hành thị trường điện cạnh tranh và thực hiện giá bán điện theo Thông tư 41/2010/TT-BCT ngày 14/12/2010 của Bộ Công Thương tạo sự minh bạch, công bằng cho các chủ đầu tư các dự án nguồn điện khi đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện.
Về cơ chế lựa chọn chủ đầu tư, cần xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực để thực hiện dự án, có chế tài quản lý quá trình thực hiện dự án nhằm tránh tình trạng chậm tiến độ như hiện nay và nâng cao hiệu quả đầu tư dự án. Riêng đối với công tác giải phóng giải phóng mặt bằng, theo Thứ trưởng Vượng, cần giao cho UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ hơn với các chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, định canh.
Năm 2010:
- Lưới 500 kV: Hệ thống đã có trên 3.400 km đường dây và 11 trạm biến áp với tổng dung lượng 7.500 MVA,
- Lưới 220kV: gần 8.500 km với dung lượng các máy biến áp 19.000 MVA
- Lưới điện 110kV và lưới trung, hạ thế đã bao phủ 100% các huyện và 97,9% các xã.
|