Năng lượng điện tái tạo sẽ chiếm 6% vào năm 2030
Trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch điện VII sẽ từng bước hình thành, phát triển thị trường điện cạnh tranh, đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh điện. Nhà nước chỉ giữ độc quyền lưới điện truyền tải nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tới năm 2015 sẽ đạt khoảng 194 – 210 tỷ kWh; năm 2020 đạt khoảng 330 - 362 tỷ kWh và đến năm 2030 đạt khoảng 659 – 834 tỷ kWh. Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP bình quân từ 2,0 hiện nay xuống còn 1,5 vào năm 2015 và còn 1,0 vào năm 2020.
Quy hoạch cũng xác định rõ, mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối,...) cho sản xuất điện. Phát triển nhanh, từng bước nâng tỷ trọng của năng lượng điện tái tạo từ 3,5% năm 2010, lên 4,5% vào năm 2020 và đạt 6% tổng điện năng sản xuất vào năm 2030.
Đưa tổng công suất điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 1.000 MW vào năm 2020 và khoảng 6.200 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% vào năm 2030.
Quy hoạch cũng ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, nhất là các dự án có lợi ích tổng hợp: Chống lũ, cấp nước, sản xuất điện; đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 9.200 MW hiện nay lên 17.400 MW vào năm 2020. Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu.
Theo Quy hoạch, sẽ đưa tổ máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành năm 2020; đến năm 2030 nguồn điện hạt nhân có công suất 10.700 MW, sản xuất khoảng 70,5 tỷ kWh (chiếm 10,1% sản lượng điện sản xuất).
|
Đường dây 500 kV Bắc - Nam (ảnh Ngọc Cảnh) |
Mỗi năm cần trên 4,8 tỷ USD vốn đầu tư
- Theo Quy hoạch điện VII, phát triển lưới điện truyền tải phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước trong khu vực, bảo đảm kết nối hoà đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước trong khu vực.
- Điện áp 500 kV là cấp điện áp truyền tải siêu cao áp chủ yếu của Việt Nam. Nghiên cứu khả năng xây dựng cấp điện áp 750 kV, 1.000 kV hoặc truyền tải bằng điện 1 chiều giai đoạn sau năm 2020.
- Đầu tư nguồn điện: Giai đoạn 2011 -2020 là 619,3 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2021 – 2030 là 935,3 nghìn tỷ đồng
- Đầu tư lưới điện: Giai đoạn 2011 – 2020 là 210 nghìn tỷ đồng; Giai đoạn 2021 – 2030 là 494 nghìn tỷ đồng.
|
Quy hoạch điện VII cũng đề cập đến việc tiếp tục đẩy nhanh chương trình điện khí hóa nông thôn, miền núi, mục tiêu đến năm 2020 hầu hết các hộ dân nông thôn có điện. Có thể dùng điện từ lưới điện quốc gia hoặc nguồn điện tại chỗ (thủy điện nhỏ, cực nhỏ; pin mặt trời, gió, kết hợp với nguồn diezen). Mục tiêu đến năm 2015, 100% số xã và 98,6% số hộ nông thôn có điện.
Để thực hiện mục tiêu đó, giai đoạn 2011 - 2015, sẽ đầu tư mở rộng lưới điện quốc gia cung cấp cho 500.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 377.000 hộ dân nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư cấp điện mới từ lưới điện quốc gia cho 200.000 hộ dân nông thôn; cấp điện từ nguồn năng lượng tái tạo cho khoảng 231.000 hộ dân nông thôn.
Như vậy, theo Quy hoạch điện VII, để phát triển điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia (từ nay đến năm 2030), Việt Nam cần khoảng 2.400 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư (tương đương 124 tỷ USD). Mỗi năm cần trên 4,8 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội của Nhà nước và mục tiêu sản xuất kinh doanh, tự chủ tài chính của các doanh nghiệp ngành Điện. Giá bán điện cần kích thích phát triển điện, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Giá điện được điều chỉnh dần từng bước nhằm đạt chi phí biên dài hạn của hệ thống điện đến năm 2020 tương đương 8-9 cents/kWh, bảo đảm cho ngành Điện có khả năng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VII cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan cần kết hợp việc phát triển ngành Điện với bảo vệ môi trường, quản lý chặt chẽ công nghệ phát điện về phương diện môi trường. Các công nghệ được lựa chọn trong sản xuất, kinh doanh điện phải tiên tiến, hiệu suất cao, ít ảnh hưởng tới môi trường.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải:
“Việc thực hiện Quy hoạch điện VII chắc chắn sẽ khó khăn hơn khi thực hiện Quy hoạch điện VI. Việc đảm bảo đưa vào vận hành khoảng 5.000 MW/năm là vấn đề hết sức nan giải khi suất đầu tư một nhà máy tiếp tục tăng. Khó khăn lớn nhất là việc huy động vốn. Một trong các giải pháp quan trọng để thực hiện Quy hoạch điện VII là mở ra cơ chế điều chỉnh giá điện để giá gần tiếp cận với thị trường. Bên cạnh đó là vấn đề giải phóng mặt bằng, đòi hỏi tất cả cơ quan ban ngành, địa phương cũng như chủ đầu tư phải đưa ra cơ chế phù hợp để giải quyết. Trước những thách thức đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện, đòi hỏi tất cả các cơ quan, bộ ngành và địa phương phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”.
|