Hà Nội đứng trước nguy cơ thiếu điện: “Nút thắt” vẫn là vốn và giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo, nếu các công trình lưới điện, trạm biến áp không kịp thời xây dựng và đưa vào vận hành đúng tiến độ thì đến năm 2012,  Hà Nội có khả năng phải thực hiện tiết giảm điện với mức 15 – 20% phụ tải. Điều này đồng nghĩa với việc khó tránh khỏi nguy cơ thiếu điện.

 

Báo cáo mới đây của EVN cho thấy, khối lượng thực hiện đầu tư các dự án lưới điện 110 – 220 kV trên địa bàn TP giai đoạn 2006 – 2010 có xét đến 2015 đạt tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với dự kiến. Tính đến cuối năm 2010, chưa có công trình lưới điện 220 kV nào được thực hiện, còn lưới điện 110 kV thì khối lượng đường dây mới đạt 13%. Trong khi đó, đối với các công trình trọng điểm cấp điện cho Hà Nội trong năm 2010 – 2011, mặc dù đã có văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND TP, nhưng đến nay chỉ đóng điện được cho 3/11 TBA 220 kV, xây mới 2/11 trạm 110 kV… Hầu hết các dự án triển khai đều bị chậm tiến độ, thậm chí nhiều dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể hoàn thành.

TGĐ EVN Phạm Lê Thanh cho biết, cuối năm 2011, EVN sẽ đưa vào vận hành đường dây 500 kV Sơn La – Hiệp Hòa và Trạm 500 kV Hiệp Hòa để truyền tải công suất Nhà máy Thủy điện Sơn La tới khu vực phía bắc Hà Nội. Tuy nhiên, việc truyền tải sẽ không thực hiện được nếu các đường dây 220 kV Vân Trì – Sóc Sơn và Vân Trì – Chèm bị chậm tiến độ. Năm 2012, nhu cầu phụ tải Tp. Hà Nội dự kiến là 2.400 – 2.500 MW. Do đó, tổng công suất các trạm 220 kV trên địa bàn TP phải từ 3.200 – 3.300 MVA.

Theo ông Thanh, khu vực Hà Nội luôn trong tình trạng đầy và quá tải ngay trong chế độ vận hành bình thường, thậm chí một số phần tử quá tải lên đến 159%. Đáng chú ý là các phần tử đầy tải và quá tải của lưới điện đa số là các phần tử có vai trò quan trọng trong sơ đồ cung cấp điện Hà Nội như ,các trạm 220 kV Chèm, Hà Đông, Mai Động, các đường dây 220 kV Hòa Bình – Chèm, Hòa Bình – Xuân Mai dẫn tới tình trạng cả nước đủ điện nhưng riêng Thủ đô có khả năng phải thực hiện tiết giảm điện với mức 15 – 20% phụ tải, đặc biệt là khu vực Trung tâm Hà Nội, Long Biên, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm.

Phó TGĐ TCT Truyền tải điện Quốc gia (NPT) Trần Quốc Lẫm cho biết, việc triển khai các dự án xây mới của ngành Điện đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều quy hoạch, công trình hạ tầng khác của địa phương lại xuất hiện sau khi đã có thỏa thuận tuyến. Vì vậy, dự án điện phải thường xuyên điều chỉnh tuyến đường dây để chạy theo quy hoạch của địa phương. Hơn nữa, đơn giá và chính sách đền bù hỗ trợ của địa phương còn thấp so với thực tế dẫn tới người dân khiếu kiện hoặc không nhận đền bù làm cho ngành Điện không thể có mặt bằng triển khai dự án.

Cùng với khó khăn trong công việc giải phóng mặt bằng, vấn đề vốn  đầu tư phát triển lưới điện cũng đang gặp nhiều trở ngại. Theo báo cáo của TCT Điện lực Tp. Hà Nội (EVN HANOI), tổng vốn đầu tư cho việc bảo đảm cung cấp điện và phát triển điện lực TP đến 2012 dự kiến là hơn 6.254 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay các nguồn vốn EVN HANOI dự kiến vay được để đầu tư chỉ có 1.514,5 tỷ đồng, còn lại 4.739,5 tỷ đồng chưa biết nhìn vào đâu. Nguồn vốn đầu tư để phát triển lưới điện giai đoạn 2011 – 2015 còn khó khăn hơn. Tổng nhu cầu vốn đầu tư dự kiến theo quy hoạch phát triển lưới điện trên địa bàn Tp. Hà Nội giai đoạn 2011 – 2015 (có xét đến năm 2020) là 21.513 tỷ đồng. Vốn do EVN HANOI thu xếp là 15.524 tỷ đồng. Trong đó, đối với các công trình trọng điểm trong năm 2011 – 2012 thực hiện các giải pháp cấp bách theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN HANOI mới chỉ thu xếp được 389,6/1.286,8 tỷ đồng. Đối với khối lượng đầu tư còn lại theo quy hoạch, dự kiến đến nay EVN Hanoi chỉ có thể thu xếp được 1.514,5/14.237,2 tỷ đồng.

Để đảm bảo cấp điện cho Hà Nội năm 2012 và các năm tiếp theo, EVN HANOI đề nghị UBND TP cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất để phát triển lưới điện TP, kể cả các công trình điện tại các xã miền núi và phát triển lưới điện nông thôn giai đoạn 2011 – 2015. Đồng thời bố trí kinh phí đầu tư xây dựng mới, cải tạo các trạm biến áp cấp điện. Với nguồn điện trung thế, phương thức đầu tư sẽ do ngành Điện thỏa thuận với chủ đầu tư.

Về vướng mắc trong quy hoạch, EVN Hanoi kiến nghị UBND TP chỉ đạo Tổ công tác xây dựng điện, quản lý việc xây dựng các công trình lưới điện có sự phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã; đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư toàn bộ hạ tầng trong khu đô thị mới, khu công nghiệp. Sau đó sẽ bàn giao cho ngành Điện theo phương thức tăng giảm vốn. Ngoài ra, EVN Hanoi đề nghị được trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương và người sử dụng đất để thỏa thuận bồi thường; đề nghị TP có cơ chế đặc biệt ưu tiên cấp phép thi công đào hè đường đối với các công trình hạ ngầm. Lập quy hoạch quỹ đất cho các dự án lưới điện để đảm bảo công trình điện đúng tiến độ.


  • 28/09/2011 11:36
  • Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
  • 2592


Gửi nhận xét