Hà Tĩnh: Tái diễn tình trạng 'diều thủ' gây sự cố điện

Tình trạng thả diều sáo vào dịp hè rất phổ biến trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đặc biệt là ở huyện Hương Sơn. Để ngăn ngừa diều gây sự cố điện, Điện lực phải ngày đêm kiểm tra, tuần canh, trong khi nhiều người dẫn vẫn "hồn nhiên" chơi diều bất chấp cảnh báo.

Phổ biến nhất về nạn diều sáo thả rong trên địa bàn huyện Hương Sơn thuộc về các xã như Kim Hoa, Sơn Bằng, Sơn Phú, Sơn Trung, Sơn Ninh, Sơn Hàm, An Hòa Thịnh. Đã có nhiều trường hợp người ở xã này bị xử phạt vì thả diều gây chập điện, nhưng tình hình không được cải thiện là bao!

Những ngày có gió to, những chiếc diều sáo cỡ lớn với chiều dài cánh trên 5m lại xuất hiện nhan nhản. Khung của những chiếc diều khổng lồ này không phải làm bằng nguyên liệu từ tre, nứa như trước, mà thay vào đó là thép hợp kim, vì vậy khi diều vướng vào đường điện trần lập tức sẽ gây ra cháy nổ và chập điện.

Công nhân Điện lực Hương Sơn phối hợp với lực lượng chức năng thu gom chiếc diều sáo khổng lồ được thả ngay cạnh đường điện cao thế

Diều ở trên địa bàn huyện Hương Sơn được người dân thả cả ngày lẫn đêm. Để trang trí cho diều thêm độc đáo, nổi bật vào ban đêm, nhiều người còn gắn cả bộ đèn nhấp nháy bao quanh cánh diều. Việc làm này càng nguy hiểm đến an toàn lưới điện.

“Những ngày trời nắng nóng, gió to, cứ nghe nơi đâu có tiếng diều sáo kêu mạnh là đơn vị phải cử người xuống xem xét ngay. Nếu thấy những cánh diều nào có nguy cơ gây mất an toàn cho lưới điện là chúng tôi buộc phải thu. Có những ngày Điện lực Hương Sơn thu tới 5-6 con diều sáo vì nguy cơ mất an toàn như vậy”, ông Phạm Việt Hùng - Phó giám đốc Điện lực Hương Sơn cho biết.

Còn theo ông Đặng Hồng Sơn - Đội trưởng Đội Quản lý vận hành Điện lực Hương Sơn, tình trạng thả diều không đúng nơi quy định trên địa bàn huyện rất phổ biến. Diều được người dân thả ngay cạnh đường điện cao thế, gần trạm biến áp. “Rất nhiều lần vì phải thu diều ‘bất đắc dĩ” mà cán bộ điện lực còn bị chủ diều dọa nạt”, ông Sơn chia sẻ.

Theo những quy định của Luật Điện lực về an toàn điện, nghiêm cấm hành vi thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện. Đáng nói, trên thực tế đã có người thả diều bị điện giật; nhiều trường hợp thả diều làm hư hại cây cối, hoa màu; mất trật tự an ninh khi thả diều sáo về đêm; làm hư hỏng thiết bị điện, nghiêm trọng hơn là gây mất điện cả khu vực, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trong nhân dân. Thiết nghĩ, để tránh tình trạng người dân thả diều gây mất an toàn về lưới điện và các lĩnh vực khác, không chỉ sự nỗ lực của ngành Điện mà cần có sự phối hợp chung tay của các cấp chính quyền địa phương.


  • 21/07/2022 03:53
  • Châu Sơn
  • 6206