Hàng chục tỉ đồng thất thoát từ trộm cắp điện: Phần nổi của “tảng băng chìm”

Có thể nói, con số thiệt hại do trộm cắp điện mà ngành Điện thống kê mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Còn rất nhiều những vụ trộm cắp tinh vi, sử dụng công nghệ cao mà ngành Điện có thể chưa phát hiện? Thật khó để chúng ta dự đoán.

Có lẽ cần đặt con số hàng chục triệu kWh điện thiệt hại do nạn trộm cắp bên cạnh số lượng tiết điện kiệm mỗi năm mới thấy rõ những tổn thất nặng nề mà ngành Điện phải gánh chịu

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2012 các đơn vị trong Tập đoàn đã phát hiện và xử lý 7.993 vụ trộm cắp điện. Sản lượng điện bị trộm cắp đã được thu hồi là hơn 30,3 triệu kWh, trị giá hơn 63,1 tỷ đồng. Số vụ trộm cắp điện chuyển sang cơ quan chức năng đề nghị truy tố là 279 vụ, nhưng chỉ có 10 vụ được đưa ra xét xử.

Hiện nay, chưa có thống kê chính thức về con số thiệt hại do trộm cắp điện trong toàn Ngành trong 6 tháng đầu năm 2013. Tuy nhiên, chỉ tính riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC), 6 tháng đầu năm đã phát hiện và xử lý được 25.724 trường hợp đồng hồ đo đếm điện bị kẹt hoặc bị cháy và vi phạm Luật Điện lực, thu hồi trên 14 triệu kWh. Trong đó, phát hiện và xử lý 1.579 vụ trộm cắp điện, truy thu trên 3,4 triệu kWh, trị giá hơn 8,7 tỷ đồng...

Tại Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), số vụ trộm cắp điện trong 6 tháng đầu năm tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng con số thiệt hại vẫn rất lớn. Cụ thể, trong quý I và II/2013, Tổng công ty đã phát hiện và lập biên bản 1.197 vụ trộm cắp điện với sản lượng điện phải truy thu khoảng gần 4,341 triệu kWh, trị giá trên 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay mới xử lý được 1.051 vụ, thu hồi  hơn 3,26 triệu kWh, tương ứng hơn 8,8 tỷ đồng.

Vì sao nạn trộm cắp điện không ngừng gia tăng và ngày càng tinh vi, mặc dù các chế tài xử phạt đã ngày một nghiêm khắc hơn, với số tiền phạt cũng ngày càng lớn hơn?

Nhiều ý kiến cho rằng, các vụ vi phạm không giảm là vì việc xử phạt chưa nghiêm, chưa “đúng người, đúng tội”, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Bằng chứng là số vụ trộm cắp điện rất lớn, lên tới hàng nghìn vụ, nhưng số vụ đưa ra xử lý trước pháp luật chỉ... đếm trên đầu ngón tay.
 

Thực trạng này có rất nhiều nguyên nhân. Trước hết phải khẳng định, chế tài xử phạt còn nhiều bất cập, không theo kịp với tình hình phát triển của xã hội. Điện là loại hàng hóa đặc biệt, nên cũng cần một chế tài đặc biệt chống mất cắp. Chờ bắt quả tang mới được phép lập biên bản, thống nhất với các cơ quan chức năng cách xử lý là vô cùng khó khăn. Nhiều khi phát hiện, bắt quả tang, lập biên bản xong vẫn không thể xử lý được vì lại phải nhờ đến các cơ quan chức năng cùng vào cuộc.

Theo quy định của Bộ Luật hình sự, chỉ cần lấy cắp tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nhiều vụ trộm cắp điện giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng vẫn không thể đưa ra tòa xét xử được mà chỉ áp dụng hình thức phạt hành chính.

Mới đây, trong Dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 68/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng đưa ra các mức xử phạt cao hơn đối với hành vi trộm cắp điện, tăng từ 40 triệu đồng lên mức 50 triệu đồng đối với những trường hợp ăn cắp từ 3.000 kWh trở nên. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, mức xử phạt này vẫn chưa thực sự thỏa đáng và đủ sức răn đe.

Vấn đề ở đây là cần soạn thảo, ban hành cơ chế xử lý thống nhất giữa ngành Điện và các cơ quan chức năng, từ khâu xác định sản lượng điện phải truy thu đến giá trị mà đối tượng phải nộp. Với những trường hợp vi phạm đã được chuyển sang cơ quan chức năng đề nghị truy tố, việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử án công khai một cách nghiêm khắc, kịp thời cũng sẽ đảm bảo tính răn đe cao hơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền đến người dân và doanh nghiệp, giúp họ hiểu rõ Luật Điện lực, từ đó, tích cực tham gia đấu tranh chống lại những hiện tượng ăn cắp điện.

Có lẽ cần phải đặt con số hàng chục triệu kWh điện thiệt hại do nạn trộm cắp bên cạnh số lượng tiết điện kiệm mỗi năm mới thấy rõ những tổn thất nặng nề mà ngành Điện đang phải gánh chịu...


  • 11/10/2013 01:53
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 3353


Gửi nhận xét