Xung quanh kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ

Trong những ngày qua (từ 7/10 đến 10/10/2013) trên một số báo có khá nhiều thông tin đa chiều xung quanh kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ về một số lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đầu tư ngoài ngành: Chỉ chiếm 2,7%  vốn điều lệ

Một trong những nội dung được Thanh tra Chính phủ kết luận sau khi tiến hành thanh tra đối với EVN là vấn đề đầu tư ra ngoài ngành. Thực chất, trong 121.790 tỷ đồng đầu tư ngoài Công ty mẹ (Tập đoàn), chỉ có 2.107 tỷ đồng được đầu tư ra ngoài ngành, chiếm khoảng 2,7% so với vốn điều lệ. Đây là tỷ lệ cho phép.

Ngoài ra, số vốn đầu tư ngoài ngành này cũng được EVN đầu tư trong thời gian Chính phủ cho phép các Tập đoàn nhà nước nói chung, EVN nói riêng, được mở rộng lĩnh vực đầu tư. Hiện nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, EVN đang từng bước thoái vốn theo kế hoạch (dự kiến sẽ hoàn thành việc thoái vốn vào năm 2015).

Số tiền còn lại, EVN đầu tư vào các Công ty con, công ty liên kết thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện là 49.634 tỷ đồng (gồm các Tổng công ty phát điện, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty Điện lực,..); cho các công ty con vay lại là 70.049 tỷ đồng (gồm các Tổng công ty phát điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, các Tổng công ty Điện lực,..). Toàn bộ số tiền này đều được các đơn vị đầu tư đúng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, truyền tải điện.

Việc cho các đơn vị thành viên vay lại, thực chất cũng là để thu hồi vốn từ các đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn vốn vay để đầu tư các công trình điện về EVN để có nguồn trả nợ chứ không phải là khoản đầu tư ra ngoài EVN. Do quá trình đổi mới doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, một số đơn vị thuộc EVN tách ra thành các đơn vị thành viên của EVN như: Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3…

Tuy nhiên, do các tổ chức tín dụng không đồng ý việc chuyển đổi chủ thể vay mà vẫn yêu cầu EVN chịu trách nhiệm chủ thể vay, do đó EVN buộc phải chuyển các khoản nợ vay (cho vay lại) về cho các đơn vị trực tiếp sử dụng quản lý các khoản vốn vay đã đầu tư cho các dự án, công trình điện nhưng EVN vẫn phải nhận nợ với các tổ chức tín dụng.

Xây nhà công vụ, sân thể thao: Không tính vào giá điện

Các kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc EVN xây nhà công vụ cho chuyên gia, cán bộ nhân viên... và sân thể thao tại một số dự án thủy điện, cũng khiến báo chí và dư luận hiểu nhầm, dẫn tới suy đoán: Các chi phí này được EVN tính vào... giá điện.

Trên thực tế, việc xây dựng các dự án thủy điện của EVN trong những năm qua hầu hết là các dự án nằm ở những vùng sâu, vùng xa, núi non hiểm trở, cách biệt với các khu dân cư. Bên cạnh đó, việc xây dựng thường kéo dài 5 - 7 năm, hoặc hơn. Vì vậy, việc xây dựng các nhà công vụ cho cán bộ nhân viên, hay biệt thự đơn lẻ cho các chuyên gia (chủ yếu là chuyên gia cao cấp nước ngoài) ở trong quá trình thi công công trình, là vấn đề tất yếu và cần thiết. Các cán bộ nhân viên sau khi dự án đi vào vận hành nếu chuyển công tác thì sẽ phải trả lại nhà. Các chuyên gia nước ngoài về nước, biệt thự sẽ được dùng làm nhà khách, hoặc thậm chí giao cho các cán bộ quản lý cấp trung, cao... nhằm thu hút, "giữ chân" họ gắn bó, cống hiến cho  các công trình thủy điện lớn của quốc gia.

Ngoài ra, việc xây dựng một số sân thể thao (kể cả bình dân, cao cấp...) đều vì mục đích phục vụ đời sống tinh thần - vật chất cho anh em cán bộ, nhân viên làm việc tại các nhà máy thủy điện (vốn rất hẻo lánh, thiếu thốn sân chơi, phương tiện giải trí...). Đây hoàn toàn là việc làm nhân văn, nhằm động viên người lao động luyện tập sức khỏe, tạo lối sống lành mạnh, gắn bó... tại đơn vị công tác.

Tất cả các công trình này đều được tính vào tài sản khấu hao, công trình phúc lợi... chứ hoàn toàn không hạch toán vào giá điện.

Điều chuyển vốn các dự án: Không làm tăng chi phí sản xuất điện

Do nhu cầu vốn để xây dựng các công trình điện của EVN rất lớn, trong khi đó khả năng thu xếp vốn không đáp ứng, nguồn vốn khấu hao cơ bản không đủ để trả nợ gốc và lãi vay... nên câu chuyện thiếu vốn luôn là áp lực lớn đối với EVN.

Vì vậy, việc huy động thu xếp vốn cho các công trình điện chủ yếu từ các nguồn vốn vay. Tuy nhiên, trong quá trình phát hành trái phiếu để huy động vốn cho các công trình, do các thủ tục để phát hành trái phiếu chậm nên không kịp với tiến độ giải ngân công trình điện, nhưng để đảm bảo tiến độ công trình phục vụ điện cho phát triển kinh tế của đất nước nên khi có khối lượng phải thanh toán EVN đã phải ứng trước vốn sản xuất để thanh toán cho các nhà thầu, sau khi việc phát hành trái phiếu hoàn thành lúc đó EVN thực hiện việc hoàn trả lại số vốn sản xuất trước đây đã ứng.

Cụ thể: Năm 2010 và năm 2011, EVN có hướng dẫn 8 đơn vị hạch toán chuyển nguồn vốn của 11 dự án đã hoàn thành (từ nguồn vốn sản xuất EVN đã tạm ứng sang nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp) với tổng số tiền là 1.619.340.753.604 đồng, thực chất hoàn trả vốn sản xuất mà trước đây EVN đã ứng.

Do việc điều chuyển nguồn vốn các dự án đã hoàn thành nên phần lãi trái phiếu số tiền 223.909.749.578 đồng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện ngay trong năm tài chính thay vì hạch toán vào chi phí đầu tư xây dựng cơ bản của các công trình điện (tăng vốn đầu tư của dự án và cũng được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện thông qua khấu hao TSCĐ).

Như vậy, về tổng thể việc hạch toán nêu trên không làm tăng chi phí sản xuất điện.

Ngoài ra, đối với vấn đề giao chỉ tiêu lỗ của EVN cho các Tổng công ty, bản chất vấn đề là do nhiều năm liền (từ 2009 - 2011) do nắng hạn kéo dài, EVN phải huy động một lượng lớn các nhà máy chạy dầu giá cao đề bù đắp cho lượng thủy điện thiếu hụt, dẫn tới EVN thua lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Để tăng trách nhiệm cho các Tổng công ty, EVN đã giao chỉ tiêu lỗ (cùng với các chỉ tiêu kế hoạch năm khác) cho các Tổng công ty để các đơn vị phấn đấu giảm lỗ, trong điều kiện vẫn phải đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sử dụng của khách hàng.

Trả lời phỏng vấn của báo Lao Động, Tuổi trẻ... Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Hoàng Quốc Vượng cũng đã giải thích rõ các vấn đề trên để độc giả hiểu đầy đủ, chính xác về các nội dung trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.


  • 10/10/2013 03:56
  • Hoàng Ly
  • 3540