Ông Tô Xuân Bảo
|
PV: Nhiều chủ công trình thủy điện cho rằng, khung pháp lý về quản lý, vận hành an toàn đập và hồ chứa thủy điện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và cần phải điều chỉnh, bổ sung. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Tô Xuân Bảo: Hiện nay, đập và hồ chứa thủy điện là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều nhóm văn bản quy phạm pháp luật như, nhóm về lĩnh vực xây dựng; nhóm về quản lý an toàn đập, an toàn cho vùng hạ du và vận hành hồ chứa; nhóm về khí tượng thủy văn; nhóm về tài nguyên nước…
Có thể khẳng định hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thủy điện đã tương đối đầy đủ, nhưng còn có những nội dung chưa phù hợp với diễn biến thực tế. Điển hình là Nghị định 72/2007/NĐ-CP Quy định các chủ đập phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, phương án bảo vệ đập… là không phù hợp với hồ chứa loại nhỏ... Ngoài ra nội dung các văn bản còn có sự chồng chéo, thiếu nội dung cần thiết.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 theo hướng bổ sung những nội dung cần thiết về quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện phù hợp với tình hình hiện nay; Bổ sung quy định chi tiết thi hành một số nội dung về cắm mốc xác định vùng phụ cận bảo vệ đập…Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, rà soát, hiệu chỉnh quy trình vận hành liên hồ cho phù hợp với đặc thù lưu vực sông và các công trình thủy điện vận hành theo quy trình. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chủ trì xây dựng thông tư sửa đổi, bổ sung/thay thế các thông tư liên quan đến quản lý an toàn đập, vận hành hồ chứa thủy điện cho phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tế đang diễn ra hiện nay.
PV: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, trong những năm qua, cứ vào mùa lũ, thủy điện xả lũ làm ảnh hưởng rất lớn đến vùng hạ du, ông giải thích về vấn đề này như thế nào?
Ông Tô Xuân Bảo: Trước đây, đúng là còn tồn tại việc xả lũ thủy điện tác động đến vùng hạ du. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, trong 2 năm 2016, 2017, các nhà máy thủy điện đã làm rất tốt việc vận hành xả lũ, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương thực hiện phương án thống nhất, đồng thời, thông báo kịp thời đến các cấp các ngành và nhân dân, có biện pháp giảm thiệt hại. Đặc biệt, một số công trình thủy điện đã tích cực đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc, hệ thống đo mưa, dự báo chính xác để đưa ra quyết định vận hành phù hợp nhằm cắt/giảm/làm chậm lũ về hạ du.
Hiện nay, trừ một số nhà máy thủy điện có dung tích hồ chứa lớn như Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang… lệnh xả lũ do Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT thực hiện, các nhà máy thủy điện khác thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh/thành phố và khi lũ về, các chủ đập tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời mệnh lệnh phù hợp, có tiến hành xả hay không xả.
PV: Mùa mưa lũ năm nay, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo gì đối với các chủ đập thủy điện, thưa ông?
Ông Tô Xuân Bảo: Từ trước mùa mưa lũ, Bộ Công Thương đã yêu cầu các chủ đập thủy điện thực hiện đúng, đủ các quy định của quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, các chủ hồ cần chủ động tuyên truyền, giải thích và thông báo việc vận hành hồ chứa trước và trong quá trình vận hành theo đúng quy định hiện hành. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm hiện tượng vi phạm hành lang bảo vệ hồ chứa và vùng phụ cận bảo vệ đập, hành lang thoát lũ của công trình, phương án bảo vệ mốc giới; tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân ở khu vực hạ du về các quy định an toàn trong khu vực hành lang thoát lũ cũng như thông tin và điều lệnh phòng, chống lụt bão.
Ngoài ra, trong quá trình vận hành, các chủ đập thủy điện cần chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung các nội dung chưa hợp lý trong quy trình vận hành đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành, điều kiện thủy văn, địa hình, hành lang thoát lũ… vùng hạ du để các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn công trình cũng như đảm bảo an toàn hạ du.
PV: Xin cảm ơn ông!
Các nhà máy thuỷ điện:
- Đóng góp khoảng 40% tổng sản lượng điện toàn hệ thống;
- Tổng dung tích hồ chứa: khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước;
- Đảm bảo cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du vào mùa mưa bão; cung cấp nước cho vùng hạ du vào mùa khô.
|