Hội thảo về Quy trình đấu thầu các dự án điện hạt nhân theo hình thức hợp đồng EPC

Một trong những vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm đối với việc phát triển điện hạt nhân, đó là quá trình đấu thầu hợp đồng EPC. Đó cũng là nội dung chính tại Hội thảo “Quy trình đấu thầu và đánh giá kinh tế đối với hồ sơ mời thầu cho các dự án điện hạt nhân theo hình thức EPC”, do Ban quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức từ ngày 23 đến 26/3, tại Hà Nội.

Hội thảo “Quy trình đấu thầu và đánh giá kinh tế đối với hồ sơ mời thầu cho các dự án điện hạt nhân theo hình thức EPC”- Ảnh:  P. T

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, được triển khai thực hiện trong bối cảnh xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản vào tháng 3/2011.

Thời gian qua, Việt Nam nói chung và EVN nói riêng đã nhận được nhiều sự quan tâm, trợ giúp của IAEA trong việc phát triển 19 cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, thông qua nhiều chương trình hội thảo, khóa đào tạo, tham quan học tập về điện hạt nhân trong nước và nước ngoài.

Theo khuyến cáo của IAEA, với những nước lần đầu tiên làm điện hạt nhân như Việt Nam nên áp dụng phương thức hợp đồng chìa khóa trao tay hay hợp đồng EPC. Do tính phức tạp và quy mô của dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, một trong những vấn đề mà các quốc gia cần đặc biệt chú trọng đó là quá trình đấu thầu hợp đồng EPC từ việc lập thông số mời thầu, đánh giá thầu, đến đàm phán và ký kết hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn.

Theo đó, hội thảo “Quy trình đấu thầu và đánh giá kinh tế đối với hồ sơ mời thầu cho các dự án điện hạt nhân theo hình thức EPC” tập trung giới thiệu các vấn đề liên quan đến quy trình đấu thầu áp dụng cho các dự án lớn; đánh giá kinh tế đối với hồ sơ thầu và ký hợp đồng EPC cho nhà máy điện hạt nhân; tiêu chuẩn ISO liên quan đến đầu thầu xây dựng, giới thiệu về tiêu chí đánh giá thầu trong trường hợp chỉ định thầu khi có hiệp định liên chính phủ…

Ông Nguyễn Cường Lâm – Phó tổng giám đốc EVN, Giám đốc Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hy vọng rằng, với kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ các chuyên gia của IAEA, Cannada, Trung Quốc sẽ giúp ích cho EVN và các cơ quan hữu quan của Việt Nam hiểu biết đầy đủ và toàn diện hơn về các khía cạnh đấu thầu cho dự án điện hạt nhân, từ đó có thể hỗ trợ quá trình chuẩn bị và đàm phán hợp đồng EPC với nhà thầu trong thời gian tới.

Ngoài ra, IAEA còn khuyến cáo chủ đầu tư nhà máy điện hạt nhân khi bắt đầu quá trình đấu thầu cần có đủ đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật và kinh tế để đánh giá thầu và đàm phán hợp đồng.

Phát biểu tại hội thảo, ông John H.MOORE – chuyên gia Phòng Điện hạt nhân, Ban Năng lượng hạt nhân thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)  khẳng định: Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực điện hạt nhân, chuyên gia của IAEA và các nước sẽ hỗ trợ tích cực, giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến quá trình đầu thấu và đánh giá hiệu quả kinh tế của hồ sơ mời thầu cho các dự án điện hạt nhân theo hình thức EPC. Mục tiêu giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân một cách toàn diện, đảm bảo an toàn, an ninh.

Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận:

- Gồm hai dự án: Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2

- 4 lò phản ứng (2 lò phản ứng/nhà máy)

- Công suất 4.000 MW (1.000 MW/lò phản ứng)

- Do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư

Hiện  nay, Hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư đã hoàn thành và đang được EVN thẩm tra để trình các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

 

 

 


  • 23/03/2015 10:41
  • Phan Trang
  • 4392


Gửi nhận xét