Tham dự, có Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; các chuyên gia về xây dựng, quản lý, điều hành hoạt động nhà máy điện hạt nhân của Công ty năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật Bản (JINED); Trung tâm hợp tác quốc tế của diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JICC) và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc tế Nga (ROSATOM).
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đánh giá tình hình triển khai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận; giới thiệu phương thức tiếp cận của Rosatom trong việc xây dựng chấp thuận của công chúng về công nghệ hạt nhân; hiện trạng ngành điện hạt nhân Nhật Bản và hiệu quả mang lại cho địa phương có nhà máy điện hạt nhân; tính cần thiết và tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân; chia sẻ kinh nghiệm của các nước Ấn Độ, Malaysia; Băng-la-đét; Indonesia… trong việc thông tin truyền thông để tạo sự chấp thuận của công chúng tại các cơ sở năng lượng hạt nhân; hình thức kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân…
Chuyên gia Nhật Bản giới thiệu về hoạt động của nhà máy điện hạt nhân
|
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì hòa bình đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006-QĐ-TTg ngày 3/1/2006, đề ra mục tiêu phát triển ứng dụng NLNT trên cả hai lĩnh vực bức xạ và đồng vị phóng xạ và phát triển điện hạt nhân, trong đó, phát triển công nghiệp hạt nhân được xem là nhiệm vụ quan trọng để đưa điện hạt nhân trở thành một trong những nguồn cung cấp điện năng chính trong tương lai, bên cạnh các nguồn điện truyền thống như thủy điện, nhiệt điện để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Đến thời điểm này, đã có 40 văn bản xây dựng khuôn khổ pháp lý, tạo thành hành lang cơ chế chính sách tương đối đầy đủ về công tác chuẩn bị cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, về phát triển nguồn nhân lực. Việt Nam cũng đã tham gia 13 điều ước quốc tế về sử dụng an toàn và hòa bình NLNT trong hợp tác quốc tế. Đây là thông điệp có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác thông tin truyền thông để tạo sự đồng thuận cao trong công chúng nhằm hướng tới đạt mục tiêu của dự án” - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Chu Ngọc Anh, nói.
Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục NLNT, hợp tác giữa Việt Nam với Cơ quan NLNT quốc tế (IAEA) về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân bao gồm 19 nội dung chủ yếu thể hiện tất cả các hoạt động và công tác chuẩn bị về mọi mặt cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa điểm, con người… đến nay, đã đạt một số thành quả hợp tác rất quan trọng. “Phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia phù hợp với hướng dẫn của IAEA và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bảo đảm an toàn, an ninh, hiệu quả” - TS Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hùng cho biết, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính, là: thực hiện dự án di dân tái định cư; triển khai đề án thông tin tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân… Đến hết quý IV năm 2016, sẽ hoàn thành công tác giải phóng và nhận bàn giao toàn bộ mặt bằng để xây dựng các khu tái định cư. Đến năm 2019, hoàn tất các hạng mục của dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các khu tái định cư; tổ chức di dân đến nơi ở mới và bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.
Người dân Ninh Thuận tham quan mô hình nhà máy điện hạt nhân
|
Với mục tiêu Hội thảo “nỗ lực hướng tới cùng sinh tồn cùng phát triển giữa nhà máy điện hạt nhân và địa phương”, các chuyên gia đã chứng minh hiệu quả mang lại cho các địa phương có nhà máy điện hạt nhân trên thế giới. Ông Yuji Takahashi, đại diện Công ty phát triển NLNT quốc tế Nhật Bản, nói: “Sẽ có nhiều lợi ích mang lại cho địa phương có nhà máy điện hạt nhân, như: thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển, tăng cao nguồn thu ngân sách; tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân và người dân sẽ có điều kiện cộng sinh giữa nhà máy và cộng đồng địa phương trong sử dụng nước thải nóng dẫn vào ao để ươm, ấp và nuôi thủy sản rất hiệu quả…”.
Giám đốc truyền thông khu vực Đông - Nam Á (ROSATOM ASIA) Arkady Karneev chia sẻ: “Công tác truyền thông rất quan trọng, cần có phương án tiếp cận thường xuyên với công chúng, từ đó, các cơ quan truyền thông sẽ kịp thời tuyên truyền, giải thích cho người dân về hiệu quả mang lại của công nghệ hạt nhân đối với đất nước các bạn nói chung và tại nơi có xây dựng nhà máy, chắc chắn sẽ tạo được sự đồng thuận cao”.
Ban tổ chức cũng đã trưng bày nhiều hình ảnh, mô hình về nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản cũng như mô hình xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã thu hút đông đảo người dân tại địa phương đến xem, trao đổi và thể hiện sự đồng thuận cao về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận trong tương lai.