Bộ Công Thương cho biết, toàn bộ 305 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã được triển khai trực tuyến mức độ 2 trở lên, trong đó có 157 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiếp nhận, xử lý hơn 600.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, đã thực hiện kết nối 5 thủ tục về xuất nhập khẩu với Cơ chế một cửa quốc gia (www.vnsw.gov.vn); đã phê duyệt Kế hoạch triển khai cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN của Bộ giai đoạn 2017 - 2020.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ đã được Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã cải tiến quy trình xử lý văn bản và xây dựng mới Hệ thống văn bản điện tử của Bộ (iMOIT). Bộ Công Thương là một trong những bộ đầu tiên công khai tiến độ xử lý hồ sơ công việc của cơ quan trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Đáng chú ý, với nhiệm vụ ứng dụng CNTT, triển khai công tơ điện thông minh trong đo đếm điện từ xa (ARM), tiến tới xây dựng hệ thống đo đếm điện năng thông minh, ngành điện lực đã và đang lắp đặt công tơ điện tử có khả năng thu thập dữ liệu từ xa thay thế công tơ cơ khí tại Hà Nội và TP.HCM.
Cụ thể, tính đến trung tuần tháng 9/2017, số lượng công tơ điện tử đã lắp đặt tại Hà Nội là 699.033, chiếm 33% tổng số công tơ khách hàng; số công tơ điện tử có đo xa tại Hà Nội là 563.800 công tơ, chiếm 25% tổng số công tơ khách hàng. Tại TP.HCM, số công tơ điện tử đã lắp đặt là 413.159 công tơ, chiếm 19% tổng số công tơ khách hàng; 363.632 công tơ điện tử có đo xa, chiếm 16,6% tổng số công tơ khách hàng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng từ cuối năm ngoái. Đến khoảng cuối tháng 9/2017, đã có 96 doanh nghiệp đăng ký sử dụng và 256 bộ hồ sơ được công bố qua hình thức trực tuyến.
Liên quan đến việc chứng nhận nhãn năng lượng qua mạng điện tử, ngày 27/10 vừa qua, Bộ Công Thương đã khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện đăng ký dán nhãn năng lượng trực tuyến. Theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, doanh nghiệp sau khi nộp hồ sơ, được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký mà không cần đợi cơ quan quản lý xác nhận đã nộp hồ sơ.
Tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, ngoài các nhiệm vụ chung với các bộ, ngành, địa phương khác, Bộ Công Thương được Chính phủ giao 2 nhiệm vụ cụ thể gồm: Ứng dụng CNTT, triển khai công tơ điện thông minh trong đo đếm điện năng từ xa (AMR), tiến tới xây dựng hệ thống đo đếm điện năng thông minh (AMI), trong đó Hà Nội và TP.HCM hoàn thành hệ thống đo đếm điện từ xa trước ngày 1/1/2018; thực hiện chứng nhận nhãn năng lượng qua mạng điện tử trước ngày 1/1/2017.