Khách hàng được lợi gì khi 3 dịch vụ điện tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia?

Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cuộc trao đổi nhanh với evn.com.vn về 3 dịch vụ điện (cấp điện mới từ lưới điện trung áp; cấp điện mới từ lưới điện hạ áp và thanh toán tiền điện) của Tập đoàn vừa được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG).

PV: Để 3 dịch vụ điện được tích hợp lên Cổng DVCQG ngay trong giai đoạn đầu vận hành cổng này, EVN đã có những bước đi như thế nào trong việc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN

Ông Võ Quang Lâm: Từ năm 2013, EVN là đơn vị đầu tiên đã áp dụng hóa đơn điện tử trên quy mô toàn quốc; và phối hợp cùng các ngân hàng, tổ chức trung gian thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đến năm 2019, các hình thức thanh toán tiền mặt được chấp nhận tại 100% các công ty điện lực/điện lực của EVN trên toàn quốc. 

Từ năm 2015 đến nay, mức độ cung cấp dịch vụ điện trực tuyến của EVN ngày càng cao hơn. Từ mức độ 1 và 2 trong tháng 12/2015 lên mức độ 3 trong tháng 12/2017 và đạt mức độ 4 vào ngày 21/12/2018. Tập đoàn cũng đã hoàn thành kết nối cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm Hành chính công và các cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Năm 2019, trên cơ sở các quy định hiện hành của nhà nước về giao dịch điện tử, EVN tiếp tục tiến thêm một bước nữa trong công tác KD&DVKH, đó là triển khai cung cấp 100% các dịch vụ điện theo hình thức hợp đồng điện tử.

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Cổng DVCQG, trong đó có nội dung tích hợp dịch vụ điện của EVN, Tập đoàn đã chủ động phối hợp cùng với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính và Viễn thông Việt Nam hoàn thành triển khai tích hợp để cung cấp dịch vụ điện trên cổng. Những bước tiến mạnh mẽ của EVN trong việc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử trong nhiều năm qua đã được người dân và cộng đồng ghi nhận. Ngày 6/9/2019, EVN cùng một số đơn vị của ngành Điện đã được nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019 của Hội Truyền thông số Việt Nam.

PV: Việc tích hợp dịch vụ điện lên Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ mang lại lợi ích gì cho khách hàng, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Việc các bộ/ngành/địa phương cùng kết nối cung cấp dịch vụ trên Cổng DVCQG sẽ tạo cơ sở để cơ chế “một cửa liên thông” được vận hành trơn tru và tạo ra nhiều dư địa để cắt, giảm các hồ sơ, thủ tục.

Riêng với các dịch vụ của điện lực, khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCQG, hồ sơ, thủ tục của khách hàng sẽ được đơn giản hóa. Một số giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được cổng xác thực và định danh.

Thông qua cổng này, khách hàng có thể giám sát quá trình thực hiện, đánh giá, phản ánh, kiến nghị về các hoạt động cung cấp dịch vụ của ngành Điện.

Đặc biệt, trong các dịch vụ điện của EVN cung cấp đến khách hàng có dịch vụ cấp điện qua lưới trung áp là dịch vụ được Ngân hàng Thế giới chọn để đánh giá chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam. Chỉ số này đã có 6 năm liên tục tăng về điểm số và là chỉ số có điểm số cao nhất trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Hiện nay, với vị trí 27/190 quốc gia, nền kinh tế, rất khó khăn để chỉ số Tiếp cận điện năng tiếp tục cải thiện. Do đó, việc thực hiện “một cửa liên thông” trên Cổng DVCQG sẽ giúp liên thông giữa EVN và các cơ quan quan lý nhà nước tại địa phương. Qua đó, cắt giảm các hồ sơ và thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Là một trong những đơn vị đầu tiên cung cấp dịch vụ điện trên Cổng DVCQG, EVN cam kết công khai, minh bạch các hoạt động cung ứng dịch vụ điện.

PV: Với EVN, việc tích hợp các dịch vụ điện lên Cổng DVCQG sẽ hỗ trợ Tập đoàn như thế nào trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Mặc dù các dịch vụ điện của EVN cung cấp không phải là dịch vụ hành chính công nhưng đã được Chính phủ cho phép kết nối, triển khai cung cấp trên Cổng DVCQG. Qua Cổng DVCQG, EVN có thể lắng nghe và thu thập ý kiến khách hàng để có các hoạt động điều hành, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng.

Bên cạnh đó, Cổng DVCQG cũng hỗ trợ EVN trong việc chuẩn hóa, thống nhất cung cấp dịch vụ điện trực tuyến, hỗ trợ triển khai cơ chế “một cửa liên thông” giữa ngành Điện và cơ quan quản lý nhà nước.

Thông qua việc sử dụng các nền tảng xác thực, định danh điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục, Cổng DVCQG cũng hỗ trợ EVN tiếp tục quá trình đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ điện với định hướng “số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng” để “điện tử hóa các giao dịch với khách hàng”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Những con số nổi bật trong giao dịch trực tuyến của EVN 11 tháng đầu năm 2019:

- EVN tiếp nhận và giải quyết gần 7,5 triệu yêu cầu của khách hàng về các dịch vụ điện; trong đó:

   + 89,87% số yêu cầu được tiếp nhận qua các kênh tổng đài, Cổng dịch vụ CSKH, App CSKH, Trung tâm Hành chính công và Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến.

   + Khoảng 10% số yêu cầu được tiếp nhận tại các phòng giao dịch khách hàng của các công ty Điện lực/Điện lực.

- Tỉ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 46%, vượt 3% so với yêu cầu của Chính phủ.

- Riêng Hợp đồng điện tử: Tính từ thời điểm triển khai (tháng 8/2019) đến ngày 6/12/2019, đã có 72,66% số yêu cầu của khách hàng được thực hiện theo phương thức hợp đồng điện tử.


  • 19/12/2019 08:27
  • M. Tâm
  • 10095