Khai thác lợi thế của nguồn năng lượng tái tạo

Là quốc gia có nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) phong phú, đa dạng như nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, rác thải… trong 4 nước tại khu vực Đông Nam Á được Ngân hàng thế giới khảo sát về năng lượng gió thì Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất và hơn hẳn các quốc gia lân cận là Thái Lan, Lào và Campuchia.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng từ tốt đến rất tốt để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn. Tổng tiềm năng điện gió của Việt Nam ước đạt 513.360 MW tức là bằng hơn 200 lần công suất của Thủy điện Sơn La (con số này bao gồm cả gió trên biển, gió ở thềm lục địa và gió trên đất liền).

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo

Về năng lượng mặt trời, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng năng lượng mặt trời của Việt Nam lớn nhất là tập trung ở các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên, cường độ bức xạ đạt từ 5,2-5,7 kWh/m2. Ngoài hai nguồn năng lượng tái tạo kể trên chúng ta còn những nguồn năng lượng tái tạo khác như: Năng lượng sinh khối, khí sinh học, rác thải, địa nhiệt…

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực đầu tư của nước ta đã cơ bản đầy đủ. Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2015. Bên cạnh đó cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các dự án điện gió, mặt trời đã được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, các quy hoạch trong lĩnh vực NLTT (trừ thuỷ điện nhỏ) mới quy hoạch về quy mô theo vùng, miền, chưa xác định địa điểm dự án do vậy có khó khăn trong việc quy hoạch và phát triển đồng bộ lưới điện.

Với đặc điểm các nguồn điện gió, điện mặt trời có công suất phát không ổn định, thay đổi theo cường độ gió, cường độ bức xạ mặt trời nên khi phát triển với quy mô công suất lớn cần phải có các nguồn điện dự phòng thay thế và các giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. Các tiêu chuẩn kỹ thuật các thiết bị được phép tham gia vào phát và truyền tải điện từ nguồn NLTT; các quy định về kiểm định các thiết bị trước khi đưa vào sử dụng... hiện nay còn thiếu. Công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư là một khó khăn thường gặp phải khi triển khai các dự án nói chung và các dự án NLTT nói riêng.

Cần có chính sách ưu đãi thuế, đất đai

Theo TS Đoàn Văn Bình, Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trên thực tế, giá đầu tư 1 kW điện gió hiện nay khoảng 2.370 USD, giá thành sản xuất điện gió khoảng 10 đến 12 cent/kWh tùy theo điều kiện lắp đặt.

Giá đầu tư 1 kWh mặt trời đã giảm gần một nửa trong 4 đến 5 năm trở lại đây, từ 3.500 đến 4.000 USD giảm xuống còn khoảng 1.770 USD đến 2.200 USD tuỳ theo điều kiện lắp đặt. Tuy vậy giá sản xuất điện mặt trời vẫn khoảng 10 đến 12 cent/kWh. Rõ ràng giá sản xuất điện như thế này vẫn rất khó cạnh tranh với các dạng năng lượng truyền thống như nhiệt điện than hay thủy điện (giá thành chỉ bằng một nửa). Vì vậy nếu không có các cơ chế chính sách thích hợp thì cơ hội cạnh tranh của các nguồn năng lượng tái tạo là rất thấp.

Vậy giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong phát triển điện gió, điện mặt trời nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước lĩnh vực này? EVN cho rằng, cơ quan chức năng cần hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, các tiêu chuẩn chuyên ngành lên quan đến công tác thiết kế, vận hành các nguồn điện NLTT; Có chính sách ưu đãi về vốn đầu tư và thuế tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện từ nguồn NLTT được vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi và giảm thuế, miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Chính sách ưu đãi về đất đai và hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, Chính phủ sớm xem xét phê duyệt giá điện sinh khối, điều chỉnh giá điện gió. Xây dựng và ban hành quy định về cơ chế đấu giá dự án NLTT. Thành lập các Quỹ đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích phát triển ngành NLTT.


  • 27/04/2017 10:30
  • Theo Pháp Luật TP.HCM
  • 33304