Khi nền kinh tế tiêu tốn quá nhiều năng lượng...

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nước ta đang duy trì một nền kinh tế tiêu tốn quá nhiều năng lượng, sau đó lại phải gồng mình lên để cung ứng điện. Tài nguyên đang ngày một cạn kiệt, trong khi cung cứ chạy theo cầu, mãi mãi không “đuổi” kịp.

Tăng trưởng 1% GDP thì điện phải tăng trưởng 1,8%

Tiến sĩ Trần Đình Thiên dẫn chứng, tại Việt Nam, cứ tăng trưởng 1% GDP thì điện phải tăng trưởng 1,8% (hệ số 1,8), còn ở các quốc gia phát triển, hệ số này chỉ dao động từ 0,5 - 1. 

Ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực còn cho biết, nhu cầu sử dụng điện không đều giữa các miền, tập trung đến hơn 50% tại các tỉnh, thành phía Nam. Với hệ số dự phòng thấp, trong những năm qua, miền Nam liên tục phải nhận điện từ miền Bắc và miền Trung qua hệ thống truyền tải 500 kV Bắc – Nam. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu điện tại khu vực này sẽ tiếp tục tăng cao, bởi vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn đang chiếm tới gần 50% GDP của cả nước. Dẫn chứng cụ thể là cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép – Thị Vải và sân bay Long Thành đang được Chính phủ ưu tiên đầu tư, trung tâm hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam chính là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và sự phát triển này sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc cung ứng điện.

Để đảm bảo đủ điện cho miền Nam và cả nước, giải pháp hiện nay là tiếp tục truyền tải cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện ở Việt Nam nói chung và miền Nam là rất lớn, đòi hỏi các dự án đầu tư phát triển nguồn ở phía Nam phải đảm bảo đúng tiến độ cam kết mới có thể giảm bớt chênh lệch, cân bằng cung cầu.

Để đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, cần nhìn nhận cả cung - cầu

Về lâu dài, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, cải tiến công nghệ là một trong những giải pháp giảm áp lực cung cấp điện. Ông Thiên nhấn mạnh: “Cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách tiếp cận, nền kinh tế nên tính thế nào để tiêu dùng năng lượng hợp lý, hay cứ làm xi măng, sắt thép, rồi phát triển đủ các loại doanh nghiệp sử dụng năng lượng tốn kém”. 

Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, ông Franz Genner, Trưởng nhóm chuyên gia Năng lượng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng cho rằng, xem xét lại cách sử dụng năng lượng là giải pháp rất quan trọng và ít tốn kém nhất để tránh đầu tư thêm nguồn điện mới. Ông Genner cho rằng, những năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc khai thác các nguồn điện giá rẻ như thủy điện, nhiệt điện than... Tuy nhiên, nguồn lực nội địa không còn đảm đương được nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong tương lai, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu nhiên liệu cho phát điện. 

Việt Nam đang kỳ vọng dựa vào nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời nhưng đầu tư vào nguồn năng lượng này khá tốn kém – chuyên gia của WB phân tích. Bên cạnh đó, theo ông Genner, đầu tư công nghệ vào những doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng cũng giúp tiết kiệm được một sản lượng điện đáng kể trong bối cảnh huy động vốn đầu tư nguồn điện mới đang khó khăn. 

Khó thu hút đầu tư

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030, mục tiêu quan trọng hàng đầu là cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được mức tăng trưởng bình quân GDP khoảng 7%/năm. Năm 2020, tổng công suất nguồn điện sẽ đạt khoảng 60.000 MW, năm 2025 là 96.500 MW và năm 2030 đạt đến 129.500 MW. Trong đó, các đơn vị sản xuất điện “trụ cột” là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất nguồn, phần còn lại là do các nhà đầu tư bên ngoài. 

Phụ tải khu vực miền Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới 

Quy hoạch đã đề cập khá toàn diện về các nhóm giải pháp tạo nguồn vốn đầu tư phát triển ngành Điện như đẩy mạnh cổ phần hoá các tổng công ty, công ty phát điện trực thuộc EVN, PVN, Vinacomin; từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các doanh nghiệp ngành Điện (vốn tự tích lũy). Bản thân các tập đoàn năng lượng cũng phải nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh để đạt được mức tín nhiệm tài chính cao, làm cơ sở tự huy động vốn mà không cần bảo lãnh của Chính phủ; tăng cường huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu trong và ngoài nước;...

Đánh giá về việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, ông Franz Genner bình luận, với giá 7,6 cent/kWh hiện nay chưa đủ khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển hệ thống điện. Và nếu không thu hút được đầu tư thì “gánh nặng” sau cùng sẽ đổ dồn lên EVN – đơn vị được giao giữ vai trò chính trong đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong những năm tới, dự báo, tình hình cung ứng điện sẽ “nóng” nhất tại các tỉnh phía Nam do vẫn chưa thể tự cân đối cung cầu điện nội miền. Điều này đang gia tăng áp lực lên hệ thống điện. 

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng đồng tình với quan điểm cần phải xem xét lại cơ chế tính giá điện bởi nếu giá điện không được cải thiện thì sẽ không nhà đầu tư nào dám tham gia cuộc chơi. Theo ông, thiếu vốn không phải là điều đáng lo ngại nhất, mà vấn đề là chúng ta đang thiếu chính sách tốt để thực sự tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia. 
 


  • 29/12/2016 10:18
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 11060