Thủy điện Hòa Bình: Bản hùng ca thế kỷ 20

Ngày 6/11/1979, công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công. Dòng sông Đà hung dữ đã được chinh phục bởi bàn tay và khối óc của con người. Biết bao mồ hôi, sức lực, xương máu của những người làm điện Việt Nam và Liên Xô đã đổ xuống, viết nên bản hùng ca thế kỷ 20.

Sông Đà có bất trị?

Theo Anh hùng Lao động Thái Phụng Nê, từ năm 1940, người Pháp đã tiến hành khoan thăm dò tuyến Hòa Bình và phát hiện bên dưới lòng sông có chứa lớp cát, cuội sỏi, mà trình độ công nghệ lúc đó chưa đủ khả năng xử lý. Sau đó, các chuyên gia Pháp tiếp tục khoan tại các tuyến Chợ Bờ, suối Rút, nhưng đều gặp lớp cát, cuội sỏi đó. Cuối cùng người Pháp kết luận: “Sông Đà bất trị”. 

Tháng 9/1971, khi tiến hành mũi khoan số 1, các chuyên gia địa chất Việt Nam, Liên Xô cũng gặp lớp cát, cuội sỏi này. Để lý giải một cách khoa học, đã phải khoan kiểm tra toàn bộ các tuyến và so sánh khối lượng xây dựng ở các tuyến. Để chọn tuyến lúc bấy giờ việc khảo sát hết sức căng thẳng. Có 6 tuyến được đề xuất: Suối Rút là tuyến đầu, xuất phát từ chân cao nguyên Mộc Châu; tuyến thứ 2 là suối Hoa, xuất phát từ Thanh Hóa, đổ về sông Đà; tuyến thứ ba là Chợ Bờ hay còn gọi là Đà Bắc; tuyến thứ tư là Hiền Lương; tuyến thứ năm là Hòa Bình trên và tuyến cuối cùng là Hòa Bình dưới. 

Kết quả khoan khảo sát thăm dò cả 6 tuyến đều có lớp cát, cuội sỏi bên dưới. Nhưng chỉ có hai tuyến được lập dự án thiết kế chi tiết là Hòa Bình trên và Hòa Bình dưới. Các chuyên gia đến từ Viện Thiết kế Thủy công Ba Cu - nước Cộng hòa Adecbaizan chọn tuyến Hòa Bình trên. Các chuyên gia của Viện Thiết kế Thủy công Matxcơva chọn phương án Hòa Bình dưới. Một cuộc tranh luận nảy lửa, kéo dài nhiều năm đã diễn ra trước khi tuyến Hòa Bình dưới được chính thức lựa chọn.

Đại biểu các ngành, nhân dân và CBCNV công trường xây dựng Thủy điện Hòa Bình trong ngày hội ngăn sông Đà đợt 2 (thị xã Hòa Bình, 1986) - Nguồn ảnh: Trần Nguyên Hợi

Công trình thế kỷ

Trong khi nghiên cứu tính khả thi công trình Thủy điện Hòa Bình, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã đặt câu hỏi: “Tại sao khi đất nước còn nghèo mà lại xây dựng công trình đòi hỏi nguồn tài chính lớn như vậy?” Thực tế đã có trả lời thỏa đáng, bởi với 4 nhiệm vụ chính: Chống lũ, phát điện, tưới tiêu và đảm bảo giao thông thủy, Thủy điện Hòa Bình đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Có thể nói, quyết tâm xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình là một quyết định lịch sử của Đảng và Nhà nước ta trong bối cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn. 

Và kế hoạch đó sẽ khó trở thành hiện thực nếu không có sự giúp đỡ to lớn, chí tình của Liên Xô, cung cấp trang thiết bị cần thiết cho công trình, đưa nhiều chuyên gia có trình độ cao sang làm việc, hướng dẫn kỹ thuật và đào tạo, gây dựng nguồn nhân lực đầu tiên cho Việt Nam. Cùng với cán bộ và công nhân Việt Nam, những chuyên gia Xô Viết đã kề vai, sát cánh xây dựng công trình với tiến độ chưa từng thấy. Cũng chính từ những công trình như Thủy điện Hòa Bình, đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam đã học hỏi và kế thừa được kỹ thuật cao của các chuyên gia Liên Xô. Có thể nói, Thủy điện Hòa Bình là một trong những biểu tượng cao đẹp nhất của tình hữu nghị Việt – Xô.

Ông Godunov Boric Ivanovich, người từng giữ cương vị Phó tổng chuyên viên Xô Viết về kỹ thuật đã ghi trong hồi ký của mình: Thủy điện Hòa Bình được xây dựng trong điều kiện kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bên cạnh việc cung cấp tài liệu thiết kế và gửi các chuyên gia sang làm việc, Liên Xô còn cung cấp vật tư, thiết bị xây dựng các cơ sở sản xuất phụ trợ cũng như xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia, cung cấp thiết bị công nghệ và máy móc xây dựng kèm theo phụ tùng. (*)

Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ

Một trong những người đầu tiên, cũng là người đóng vai trò quan trọng để có Thủy điện Hòa Bình vận hành hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp phát triển Việt Nam ngày hôm nay, phải kể đến Tổng chuyên viên Pavel Timofeevich Bogachenko. Ông được cử sang Việt Nam làm Tổng chuyên viên, trực tiếp điều hành xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình vào năm 1979.

Bogachenko P.T là một trong số ít chuyên gia có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực xây dựng và điều hành công trình thủy điện lớn. Ông thường xuyên nghiên cứu kỹ từng chi tiết của dự án trong các điều kiện kỹ thuật sản xuất cụ thể, có khả năng tập hợp sự đoàn kết và tổ chức điều hành công việc của tập thể các chuyên gia Xô Viết, sử dụng hiệu quả bộ máy quản lý và các tổ chức xây lắp của Việt Nam. Giống như người “nhạc trưởng” của công trình, ông kiểm soát tiến độ thi công từng ngày, từng tháng, từng năm và kịp thời đưa ra những giải pháp hiệu quả, khắc phục những khó khăn nảy sinh trong quá trình thi công.(*)

Ngày 6/11/1979, dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình chính thức được khởi công. Sau hơn 15 năm thi công, với những nỗ lực không mệt mỏi của cán bộ, kỹ sư, tư vấn thiết kế và chuyên gia Liên Xô, đến ngày 20/12/1994, Nhà máy được khánh thành. Ngày 24/5/2016, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã đạt mốc sản lượng 200 tỷ kWh điện cung cấp cho hệ thống điện quốc gia. Đây là mốc sản lượng mà đến nay chưa có nhà máy thủy điện nào ở Việt Nam đạt được. 

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình:

- Khởi công: Ngày 6/11/1979;
- Ngăn sông Đà đợt 1: Ngày 12/1/1983;
- Ngăn sông Đà đợt 2: Ngày 9/1/1986;
- Phát điện tổ máy số 1: Ngày 30/12/1988;
- Khánh thành Nhà máy: Ngày 20/12/1994.
- Tổng công suất: 8x240 MW (1.920 MW);
- Sản lượng điện bình quân theo thiết kế: 8,16 tỷ kWh/năm;

(*): Trích sách Hòa Bình – Ánh điện không bao giờ tắt


  • 27/12/2016 01:13
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 24004