Khó khăn trong vận hành hồ chứa thủy điện

Việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần sớm được khắc phục…

 

Ông Nguyễn Trọng Oánh -  Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD):

Trong hệ thống qui phạm pháp luật hiện nay, chưa có văn bản nào đề cập đến hành lang thoát lũ - hạng mục có tác dụng giảm thiệt hại cho người dân vùng hạ lưu khi xả lũ.

Nhà nước cần sớm đưa ra những qui định cụ thể, chi tiết về hành lang thoát lũ bao gồm các chế tài quản lý, hướng dẫn thực hiện, tránh xâm phạm. Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể về vận hành liên hồ và xả lũ: Hồ nào xả trước và đơn vị nào quyết định việc xả lũ...

   

Nhiều bất cập

Hiện nay, để quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện đã có 5 Luật và Pháp lệnh; 6 Nghị định; 4 Thông tư và nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn khác. “Tuy nhiên, việc rà soát để cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy trình vận hành (QTVH) liên hồ, đơn hồ chưa được thường xuyên nên QTVH đơn hồ chưa phù hợp với QTVH liên hồ; Quy trình đơn hồ chưa phù hợp với tình hình thay đổi hành lang thoát lũ, tình hình thực tế và quy định hiện hành; Quy trình liên hồ chưa chỉ định chủ thể điều hành việc vận hành của các chủ hồ trên cùng dòng sông hay cùng lưu vực đi qua nhiều tỉnh”, ông Trần Hữu Lượng – Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết.

Số liệu khí tượng thủy văn phục vụ công tác vận hành còn thiếu và yếu, do mật độ trạm quan trắc của ngành khí tượng thủy văn còn mỏng, chất lượng dự báo chưa cao. Các trạm quan trắc do các chủ hồ tự lắp đặt lại có độ tin cậy không cao và quá ít so với yêu cầu. 

Bên cạnh đó, trong hành lang thoát lũ một số hồ chứa thủy điện còn đông dân cư sinh sống, sản xuất nông nghiệp, công trình xây dựng... gây cản trở khả năng thoát lũ và có thể gây mất an toàn cho vùng hạ du khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.

“Đặc biệt, công tác phối hợp giữa chủ hồ với các cấp chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, thông tin xả lũ chưa tốt. Chưa thực hiện việc tuyên truyền đến nhân dân về tác dụng của các hồ chứa thủy điện, về quy trình vận hành, trách nhiệm các cấp trong công tác thông tin xả lũ và kỹ năng ứng phó với mưa lũ”, ông Lượng cho biết.

Các nhà máy thủy điện của EVN góp phần cắt/giảm lũ, đảm bảo an toàn cho hạ du

Giải pháp nào?

 

Ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Môi trường Quốc hội:

Trong số 330 hồ đập thủy điện đang vận hành trên cả nước có nhiều chủ đầu tư và doanh nghiệp quản lý vận hành.

Trên các lưu vực sông lớn có nhiều hồ đập thủy điện thuộc những doanh nghiệp khác nhau nằm ở các địa phương khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận hành quy trình liên hồ chứa, vì vậy cần sớm sửa đổi các quy định cho phù hợp với thực tế.

   

Chỉ ra những khó khăn trong vận hành các hồ chứa thủy điện, ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN cho biết: Trong mùa khô hạn, EVN đã chỉ đạo các công ty thủy điện trực thuộc nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Bộ Công Thương, vận hành, điều tiết hồ chứa theo lệnh và yêu cầu của UBND các tỉnh, Sở NN&PTNT, một số nơi, một số thời điểm phải “hy sinh” lợi ích phát điện để duy trì dòng chảy cấp nước cho hạ du. 

“Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ NN&PTNT cần xây dựng biểu đồ điều tiết nước hợp lý, vì nếu không làm tốt, giữa mùa kiệt đã hết nước, sẽ gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân”, ông An phân tích.

Ngoài ra, ông Đặng Hoàng An cũng đề nghị các chủ đập cần tăng cường đầu tư cho các thiết bị quan trắc, dự báo, cảnh báo lũ; có quy định trách nhiệm cụ thể đối với các chủ hồ đập thủy điện trên cùng một lưu vực sông; tăng cường thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tiết để đảm bảo vận hành hiệu quả, an toàn các công trình thủy điện.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật, Quy chuẩn kỹ thuật, Tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến vận hành, khai thác, an toàn, hiệu quả đập thủy điện. Từ đó, kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo tuân thủ pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hiệu chỉnh QTVH liên hồ chứa 11 lưu vực sông đã được ban hành, bảo đảm phù hợp với từng hồ chứa và đặc thù của lưu vực sông, trong đó tập trung vào những quy định về mực nước hồ, lưu lượng dòng chảy tối thiểu, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc vận hành hồ chứa...; nâng cao năng lực dự báo cho các Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, bảo đảm bản tin khí tượng thủy văn chính xác, kịp thời để vận hành hồ chứa thủy điện hiệu quả, an toàn cho công trình và vùng hạ du. 

- 330 hồ đập thủy điện đang vận hành trên cả nước; 

- Tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên cả nước; 

- Góp phần quan trọng vào việc cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du;

- Cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất trong mùa cạn.


  • 20/04/2017 03:41
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 14152