Không còn "cửa" trì hoãn tăng giá điện

Giá điện đã bị "dồn nén" mấy năm qua, nếu tiếp tục sẽ rất khó để bảo đảm vốn đầu tư vào điện. Không thể trì hoãn việc tăng giá điện đến sang năm bởi như vậy sức ép lạm phát cho năm sau sẽ còn lớn hơn nhiều.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế, dù lạm phát có hạ nhiệt trong quý 1, nhưng áp lực lên lạm phát vẫn rất lớn vì những lý do trên. Đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng GDP thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu quốc hội đặt ra.

Lạm phát trong các tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, khi giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công điều chỉnh theo kế hoạch đặt ra.

Lạm phát gắn với điều chỉnh giá dịch vụ, nhưng theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cái khó nhất của Việt Nam hiện nay là điều chỉnh giá điện. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam chưa có cách nào thay thế điện năng truyền thống. Điện gió, điện mặt trời có thể có nhưng rất ít. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đời sống, Việt Nam vẫn phải dựa vào nhiệt điện. Nhưng sau năm 2020 và xa hơn, Việt Nam phải có cách để thay thế dần, hướng đến nguồn năng lượng sạch. Để làm được điều đó, cần một lượng vốn lớn cho đầu tư, và chỉ có tăng giá điện mới có thể thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành Điện.

TS. Võ Trí Thành nói: “Chúng ta đã kìm nén giá điện 2 năm nay rồi và đây là thách thức rất lớn trong năm nay. Chúng ta có thể trì hoãn tăng giá dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ y tế, nhưng để trì hoãn tăng giá điện là một việc làm rất khó”.

Đồng tình với quan điểm của ông Võ Trí Thành, theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chính phủ nên lựa chọn việc tạm hoãn tăng giá các dịch vụ y tế để điều chỉnh giá điện. Nếu không điều chỉnh giá điện, sẽ rất khó để kêu gọi các nhà đầu tư vào các công trình năng lượng, nhất là năng lượng điện tái tạo. Nếu không tăng giá điện cũng sẽ rất khó để bảo đảm nguồn cung khi lượng tiêu thụ ngày một tăng lên.

Chúng ta đã "dồn nén" giá điện mấy năm qua, nếu tiếp tục dồn nén giá điện sẽ rất khó để có thể bảo đảm vốn đầu tư vào điện, như vậy càng rất khó để đầu tư vào nguồn năng lượng sạch. Chúng ta không thể trì hoãn việc tăng giá điện đến sang năm bởi như vậy sức ép lạm phát cho năm sau sẽ còn lớn hơn nhiều.

“Hiện nay Chính phủ chưa quyết về việc này, nhưng theo quan điểm của tôi, để đảm bảo sự hài hòa giữa tăng giá điện và lạm phát, nên hoãn tăng giá dịch vụ y tế và nên tăng giá điện trong năm nay. Nếu không, lạm phát trong năm 2018 sẽ còn cao hơn,” ông Trương Đình Tuyển nói. 


  • 18/04/2017 06:33
  • Theo infonet.vn
  • 8593