Vì sao lại đến Fukui?
8h10 phút ngày 20/2/2012, ông Makoto Sawada đến đón chúng tôi tại khách sạn gần ga của thành phố Tsuruga. Trời âm u và tuyết rơi dầy đặc, bao phủ thành phố bằng một màu trắng.
13 năm nay, tuyết ở Tsuruga mới rơi dầy như vậy
|
Ông Makoto Sawada - chuyên gia của Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế Fukui (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Wakasa – đơn vị tổ chức khóa đào tạo), người sẽ song hành với đoàn công tác EVN trong suốt khóa học chia sẻ: “Tsuruga đón đoàn Việt Nam bằng thời tiết thật đặc biệt. 13 năm nay, tuyết ở Tsuruga mới rơi dầy như vậy. Nhiệt độ ngoài trời là dưới 0 độ C”.
Từ khách sạn đến Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế Fukui mất khoảng 15 phút đi ô tô. Ông Sawada thông báo: “Đừng ai hồi hộp nhé”. Hóa ra, các phóng viên Đài truyền hình địa phương đã chờ sẵn ở sảnh, chĩa máy ảnh, máy quay chiu chíu vào chúng tôi như các… minh tinh điện ảnh.
Đoàn công tác của EVN tham gia khóa đào tạo về sự chấp thuận của công chúng về điện hạt nhân tại Nhật Bản
|
9h sáng, màn chào hỏi giữa học viên với lãnh đạo của Trung tâm được diễn ra khá trang trọng, nhưng rất ngắn gọn. Điều ngạc nhiên nhất đối với riêng cá nhân tôi là thái độ làm việc của các đồng nghiệp Nhật Bản – những nhà báo của Đài truyền hình địa phương. Chỉ đưa tin về một khóa học nhỏ 5 người đến từ Việt Nam, nhưng các đồng nghiệp Nhật Bản làm việc rất cần mẫn và chuyên nghiệp, từ ghi hình đến phỏng vấn. Họ tỉ mỉ với từng góc hình trong suốt buổi sáng. Giờ nghỉ trưa, họ tranh thủ phỏng vấn học viên. Khi chúng tôi kết thúc bữa trưa, thật ngạc nhiên, họ vẫn chờ để ghi hình chúng tôi chụp ảnh lưu niệm với ban tổ chức, vui đùa với tuyết và lại tiếp tục phỏng vấn về cảm xúc, suy nghĩ của các thành viên với một thái độ rất nghiêm túc, hào hứng.
Khóa 2: Đào tạo sự chấp thuận của công chúng về điện hạt nhân
* Đơn vị tài trợ: Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản
* Đơn vị tổ chức: Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế Fukui (IHRDC), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng Wan Wakasa (WERC).
* Thời gian thực hiện: Khóa 2: 20-24/2/2012. (Khóa 1: Từ 31/10 – 4/11/2011).
* Khóa học gồm 3 phần: Lý thuyết, đi thực tế và thảo luận.
* Mục đích: Giúp cho những người làm công tác truyền thông điện nguyên tử ở Việt Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để có thể triển khai tốt các hoạt động truyền thông, nhằm đạt được sự chấp thuận của công chúng về điện nguyên tử ở Việt Nam.
|
|
Kết thúc buổi học đầu tiên với rất nhiều kiến thức được truyền đạt khiến anh phiên dịch mệt đứt hơi, chúng tôi thực sự ấn tượng với sự chuyên nghiệp và tâm huyết của các chuyên gia Nhật Bản. Họ là những con người đã gắn bó gần như cả đời mình với điện nguyên tử (ĐNT).
Và chúng tôi hiểu tại sao mình lại có mặt ở thành phố Tsuruga thuộc tỉnh Fukui trong mùa đông lạnh giá và tuyệt đẹp này. Bởi đây là địa phương đầu tiên xây dựng điện nguyên tử tại Nhật Bản, có bề dày kinh nghiệm gần 50 năm phát triển ĐNT và cũng là nơi tập trung số lượng nhà máy ĐNT lớn nhất trên toàn Nhật Bản với 13 tổ máy phát điện thương mại, chiếm ¼ sản lượng ĐNT ở Nhật Bản, Fuikui cung cấp ½ sản lượng điện cho cả khu Kansai rộng lớn của Nhật Bản (trong đó có 2 thành phố lớn là Kyoto và Osaka).
Dù không ảnh hưởng gì nhiều từ sự cố Fukushima 1 do ở xa khu vực động đất, sóng thần, tuy nhiên, sau sự cố trên, cùng với các tổ máy ĐNT trên cả nước Nhật, 13 tổ máy ĐNT ở Fuikui đều đã phải dừng hoạt động để kiểm tra về độ an toàn (hiện chỉ có 2 tổ máy ĐNT trên toàn Nhật Bản đang hoạt động). Đến khoảng tháng 3 - 4/2012, các cơ quan chức năng ở Fukui sẽ tiến hành lấy ý kiến của người dân về việc có tiếp tục tái khởi động các tổ máy ĐNT hay không. Gần 50 năm qua, ĐNT ở Fuikui phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đầy thăng trầm và không phải lúc nào cũng có được lòng tin và sự đồng thuận của người dân.
3 nguyên tắc phải đảm bảo khi thực hiện một dự án điện hạt nhân tại Fukui:
* Sự an toàn
* Người dân có hiểu và đồng thuận hay không
* Hiệu quả các mặt của dự án đối với địa phương.
|
|
Khi xảy ra sự cố ở Nhà máy ĐNT Fukushima 1, những người làm ĐNT ở khắp Nhật Bản đều vô cùng bàng hoàng và lo lắng. Các thông tin chính xác về kỹ thuật không thể tìm kiếm được trên báo chí, nên các tổ chức liên quan ĐNT ở Fukui phải đưa người đến tận hiện trường để xem xét và phối hợp, hỗ trợ quan trắc môi trường, gửi các trang thiết bị liên quan đến Fukushima nhằm phòng tránh thảm họa hạt nhân. Sau đó, thực hiện kiểm tra độ phóng xạ tại tất cả các nhà máy ĐNT tại Fukui và các khu vực khác, kiểm tra độ phóng xạ thực phẩm, làm mạnh hơn việc kiểm soát hàm lượng phóng xạ trong tự nhiên…
Đó là lý do mà hôm nay, chúng tôi có mặt ở đây – thành phố Tsuruga để tham gia khóa đào tạo về sự đồng thuận của công chúng về ĐNT. Còn rất nhiều điều về ĐNT, về những người làm ĐNT đầy tâm huyết, về chính quyền và người dân địa phương Fukui… mà chúng tôi đang và sẽ cố gắng tìm hiểu trong những ngày tới…
(còn tiếp)