Không để bị động, bất ngờ trước các tình huống do thiên tai gây ra

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 1 và bão số 2 do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa tổ chức tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng báo cáo tại Hội nghị: Cơn bão số 1 và số 2 vừa qua là hai cơn bão đầu mùa nhưng đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo thống kê đến ngày 6/8, bão số 1 đã làm 7 người chết và mất tích, 63 người bị thương; làm 2.989 nhà bị đổ sập hoàn toàn, trên 82.650 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 511 nhà bị ngập nước; 1.316 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng tại khu vực cửa sông; 216.194 ha lúa bị ngập, 28.372 ha rau màu bị hư hại... Tổng thiệt hại ước tính trên 6.442 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Cũng theo thống kê đến ngày 6/8, mưa lũ, sạt lở đất do bão số 2 gây ra đã làm 13 người chết và mất tích, 19 người bị thương; làm 58 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 3.534 nhà bị tốc mái, hư hại; 500 nhà bị ngập nước; khoảng 10.226 ha lúa và 1.114 ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 1.027 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 5 cầu treo bị cuốn trôi, 10 cầu treo bị ảnh hưởng… ước tính thiệt hại do cơ bão số 2 gây ra là trên 226 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, ngay khi bão số 1 đổ bộ vào nước ta, lãnh đạo EVN đã khẩn trường xuống hiện trường 4 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình để chỉ đạo khắc phục sự cố lưới điện do bão gây ra, đặc biệt ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng. Chỉ sau hơn 1 ngày, EVN đã đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm nhằm bơm nước chống úng, cứu lúa cho các tỉnh bị ảnh hưởng của mưa bão. Về lâu dài, EVN sẽ từng bước gia cố, củng cố hệ thống lưới điện trung, hạ áp để giảm thiểu ảnh hưởng của các trận bão có cường độ mạnh, cấp gió lớn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cơn bão số 1 và số 2 vừa qua đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương; sự chủ động trong phòng chống bão của người dân mà chúng ta đã giảm thiểu, hạn chế thấp nhất được thiệt hại về người và tài sản. Sau bão, công tác khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất, hỗ trợ người dân những vùng bị thiệt hại được triển khai tích cực, khẩn trương trong đó phải kể đến nỗ lực của ngành nông nghiệp, ngành Điện.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, qua hai cơn bão vừa qua, công tác phòng chống, ứng phó với mưa bão có nơi còn lúng túng, chủ quan; tính chủ động còn chưa cao, còn phụ thuộc vào sự chỉ đạo của cấp trên; công tác dự báo mặc dù đã được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa lường trước được những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai.

Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương cần tiếp tục rà soát, kiểm tra các công trình hạ tầng, kỹ thuật để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa bão; đảm bảo an toàn hồ đập, các công trình xây dựng. Khẩn trương rà soát lại quy hoạch dân cư ở những vùng dễ xảy ra thiên tai, các điểm xung yếu dễ bị sạt lở; xây dựng các phương án, quy hoạch và kế hoạch tổ chức thực hiện việc di rời dân cư ra khỏi các vùng, các khu vực nguy hiểm.


  • 08/08/2016 07:00
  • Bài, ảnh: Minh Nguyên
  • 6186