Không để lãng phí tài nguyên nước

Một số nhà máy thủy điện lớn đã phải điều tiết xả lũ do vượt quá mực nước dâng bình thường (MNDBT). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong mọi hoàn cảnh, vẫn phải nghiên cứu, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, hiệu quả.

Vận hành đúng quy trình

Giữa tháng 7, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phải mở cửa xả đáy lần đầu tiên sau 3 năm, đưa mực nước về dưới mức cho phép, đảm bảo an toàn hồ chứa và vùng hạ du. Các nhà máy thủy điện khác như Sơn La, Tuyên Quang cũng phải mở cửa xả lũ trong tháng 8 theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Nguyên nhân chính là do trong thời gian qua, khu vực phía Bắc có mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho lưu lượng nước về các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình lớn. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu các nhà máy thủy điện lớn ở phía Bắc phải mở một số cửa xả đáy, đồng thời tăng cường phát điện công suất cực đại, đảm bảo an toàn công trình, hạ thấp mực nước hồ chứa, sẵn sàng đón lũ chính vụ.

Còn tại khu vực miền Trung và miền Nam, lưu lượng nước về các hồ thủy điện duy trì ở mực nước tốt, hầu hết đều tương đương hoặc tốt hơn trung bình nhiều năm (TBNN).

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, hiện nay các nhà máy thủy điện phía Bắc được khai thác với công suất cao, tránh xả tràn và đảm bảo mực nước cao nhất cho phép theo các quy trình vận hành liên hồ chứa. Các nhà máy thủy điện miền Trung và miền Nam được khai thác theo mục tiêu điều tiết và đảm bảo yêu cầu cấp nước hạ du của địa phương. Chỉ tính riêng trong tháng 7, tổng sản lượng thủy điện đạt 9,86 tỷ kWh, vượt 2,93 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2016.

Ông Phạm Hồng Giang – Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, thời gian qua, các nhà máy thủy điện đã thực hiện đúng Quy trình vận hành liên hồ chứa. Việc xả lũ không chỉ góp phần bảo vệ an toàn hồ chứa mà còn bảo vệ người dân vùng hạ du trong mùa lũ chính vụ.

Tuy nhiên, ông Giang cũng lưu ý, khi tiến hành xả nước, các nhà máy thủy điện cần đặc biệt chú ý đến lưu lượng xả, phải xả từ từ trong thời gian nhất định để người dân kịp thời có biện pháp ứng phó. Đồng thời, thường xuyên thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để nắm được tình hình xả lũ.

Công tác dự báo cũng giữ vai trò quan trọng, góp phần vận hành, điều tiết hợp lý các hồ chứa thủy điện, vừa đảm bảo an toàn, cấp nước cho vùng hạ du, vừa đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Không để lãng phí tài nguyên nước

Ông Trần Quang Hoài - Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu, ngành Điện cần tiếp tục huy động tối đa công suất của các nhà máy thủy điện, đồng thời sẵn sàng các phương án vận hành khi có lệnh xả hoặc đóng của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bên cạnh đó, các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ ở thượng lưu, diễn biến hệ thống đê điều và ngập lũ phía hạ du để xem xét việc vận hành các hồ chứa thủy điện trong thời gian tới.

Theo ông Phạm Hồng Giang, đến thời điểm này, có thể đánh giá, năm 2017 là năm "được mùa nước" đối với ngành Điện. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, các nhà máy khu vực phía Bắc đã buộc phải mở cửa xả đáy, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện và khu vực hạ du.

Thiết nghĩ, để có thể khai thác tối đa nguồn thủy năng này, các cơ quan quản lý Nhà nước và ngành Điện cần nhanh chóng triển khai Dự án mở rộng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, vừa tăng công suất thủy điện, vừa tận dụng được tài nguyên nước. 
 


  • 20/09/2017 11:22
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 10383