Kiểm định công tơ điện như thế nào?

Ông Bùi Trung Dũng – Vụ Đo lường thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cho hay, việc kiểm định công tơ điện được thực hiện trên hệ thống tự động, rất khó có khả năng can thiệp của con người để làm sai lệch các thông số.

 

 

 
 
 

Tính bảo mật cao, khó can thiệp

Ông Bùi Trung Dũng cho hay, công tơ điện là phương tiện đo lường quan trọng và phải kiểm soát chặt chẽ. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định gồm các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị thuộc hệ thống quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các đơn vị trực thuộc các Tổng công ty Điện lực.

Hoạt động này phải tuân thủ các điều kiện về độc lập, khách quan đã được cụ thể hóa tại Nghị định 105 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, Luật Đo lường. Các đơn vị thực hiện kiểm định phải đảm bảo tính công khai, minh bạch các quy trình kiểm định, để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra.

Kiểm định viên NPCETC thực hiện các bước kiểm định chất lượng công tơ

Không chỉ có EVN mà hơn 800 tổ chức mua bán điện cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định này, ông Bùi Trung Dũng khẳng định.

Kiểm tra tại Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc (NPCETC), ông Bùi Trung Dũng đánh giá, toàn bộ hệ thống trang bị thiết bị của Công ty đều được hiệu chuẩn định kì, duy trì tính chính xác của thiết bị. Đặc biệt, các thiết bị đều chạy tự động, kiểm định viên rất khó để can thiệp vào quy trình.

Nhân viên kiểm định được Tổng cục Đo lường chất lượng chứng nhận, cấp thẻ kiểm định viên. Công ty cũng chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên tổ chức đánh giá để nâng cao trình độ cho các kiểm định viên. Quan trọng hơn, NPCETC cũng đã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và tiêu chuẩn IEC 17025.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh và đánh giá cao tính tuân thủ sự bảo mật, việc đánh giá tính chính xác của kết quả theo hướng kiểm tra chéo giữa nội bộ, hoặc các cơ quan thẩm tra có thể lấy xác xuất của NPCETC.

Đoàn công tác liên ngành kiểm tra hệ thống kiểm định công tơ tại NPCETC

Ông Đỗ Văn Năm – Phó Ban Kinh doanh EVNNPC cũng khẳng định, việc can thiệp vào công tơ điện là rất khó khăn, bởi chì niêm phong công tơ điện của EVNNPC được bảo quản tại Cục Kỹ thuật hình sự (Bộ Công An). Trên tem và chì có các hoa văn, kí hiệu chống làm giả.

“Bất cứ vụ việc nào có dấu hiệu bị can thiệp hoặc làm giả đều được Tổng công ty chuyển về Cục kỹ thuật hình sự để xác minh. Khi được chiếu dưới đèn tia cực tím, sẽ hiện thị các thông số mà Cục đã cấp phát cho EVNNPC. Do đó, việc làm giả chì là rất khó khăn, bởi các chì được bảo mật rất công phu, nhằm đảm bảo tính chính xác khi đo đếm”, ông Đỗ Văn Năm khẳng định.

Đảm bảo tính độc lập, khách quan trong kiểm định

Ông Tô Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc cho biết, NPCETC là đơn vị dịch vụ hạch toán độc lập với EVNNPC, không có hoạt động kinh doanh điện năng, do đó đáp ứng đầy đủ tính độc lập, khách quan theo quy định của Luật đo lường. Toàn bộ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo đều tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đo lường.

Tại các Trung tâm thí nghiệm điện tỉnh/thành phố trực thuộc NPCETC, khi khách hàng có khiếu nại về kết quả kiểm định công tơ, đơn vị sẽ chủ động phối hợp các Công ty Điện lực để thực hiện kiểm định lại lần nữa. Trong trường hợp khách hàng vẫn chưa đồng ý và tiếp tục đề nghị kiểm tra, công tơ sẽ được các đơn vị quản lý niêm phong và cho tiến hành kiểm định đối chứng tại một đơn vị độc lập hoàn toàn tại địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam kiểm tra các thông số công tơ được ghi nhận tự động lên phần mềm kiểm định

Ngoài ra, theo Luật đo lường, sau 5 năm hoạt động, các công tơ điện phải được thay thế định kỳ. Lúc này, công tơ sẽ được tháo xuống chuyển về đơn vị thí nghiệm để kiểm định. Khi đưa vào hệ thống kiểm định, toàn bộ thông số của công tơ được ghi nhận tự động vào chương trình đã được cài đặt trên hệ thống máy chủ, bản thân kiểm định viên không thể can thiệp, sửa các thông số trên server này. Kết quả sai số của công tơ cũng được tự động ghi nhận và thu thập về phần mềm điều khiển, có cảnh báo nếu công tơ không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường.

Sau khi kiểm định, những công tơ đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường sẽ được niêm phong, kẹp chì, đảm bảo không thể can thiệp và bàn giao cho các Công ty Điện lực, nhập vào hệ thống CMIS để đưa lên lưới tiếp tục hoạt động. Còn những công tơ hỏng được giao lại cho các công ty điện lực để thanh lý theo quy định. Tất cả các công tơ hư hỏng trước khi thanh lý đều được phá hủy, nhằm đảm bảo những công tơ này không có cơ hội quay trở lại trên lưới điện.


  • 30/06/2020 09:41
  • Mai Hương
  • 38356