Kiểm soát chặt chi phí sản xuất điện

Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVN luôn kiểm soát chặt các chi phí sản xuất điện, đảm bảo thực hiện giá bán điện theo đúng nguyên tắc thị trường.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn các yếu tố hình thành giá điện?

Ông Đinh Quang Tri: Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính Phủ, ba yếu tố đầu vào cơ bản hình thành giá điện là giá nhiên liệu, tỷ giá và cơ cấu phát điện. Đặc biệt đối với các nhà máy nhiệt điện, giá than chiếm tới 60 – 70%, nhiệt điện khí chiếm đến 70 – 80% chi phí nhiên liệu. Khi giá than, giá khí, giá dầu biến động thì tổng chi phí sản xuất 1 kWh điện cũng sẽ thay đổi. Vì vậy, nếu các yếu tố đầu vào cơ bản ổn định hoặc có cạnh tranh mới đảm bảo được chi phí sản xuất điện hợp lý, giá điện phù hợp với giá thị trường.

PV: Thời gian qua, EVN phải tăng cường huy động các nhà máy nhiệt điện than, khí. Việc này có ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Hiện nay, chi phí sản xuất điện của từng nhà máy phụ thuộc vào công nghệ và nhiên liệu sử dụng. Với các nhà máy nhiệt điện dầu FO có giá thành rất cao từ 4.000 – 5.000 đồng/kWh, các nhà máy nhiệt điện than có giá thành từ 1.500 – 1.600 đồng/kWh. Đồng thời, suất đầu tư công nghệ khác nhau thì chi phí nhiên liệu của từng nhà máy cũng khác nhau. 

Năm 2016, trong nhiều thời điểm lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất thấp, nhu cầu phụ tải lại tăng cao, hệ thống điện quốc gia buộc phải huy động các nhà máy nhiệt điện than, khí. Ngược lại, vào những thời điểm nước về tốt hơn, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia đã tăng cường huy động các nhà máy thủy điện, đặc biệt là Thủy điện Sơn La, Hòa Bình, đảm bảo sử dụng hợp lý các nguồn điện và chi phí sản xuất điện.

EVN kiểm soát chặt chi phí sản xuất trong các nhà máy điện

PV: Hiện nay, giá than trong nước cao hơn giá than nhập khẩu. Liệu mức giá này có ảnh hưởng đến giá thành điện, thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri: Đối với nguồn than trong nước, các nhà máy điện của EVN hiện đang ký hợp đồng với Tổng công ty Than Đông Bắc và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Than trong nước là than antraxit. Các nhà máy nhiệt điện trước đây của EVN được thiết kế chủ yếu phù hợp với nguồn than trong nước. Do vậy, sẽ khó có thể sử dụng toàn bộ than nhập khẩu thay thế than trong nước, hoặc chỉ dùng được một phần than nhập khẩu để pha trộn. Như vậy, giá than trong nước cao hay thấp hơn giá than nhập khẩu đều sẽ có tác động nhất định đến chi phí sản xuất điện. 

Đối với các nhà máy nhiệt điện mới dự kiến sử dụng than nhập khẩu, chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ phù hợp với nguồn than nhập khẩu, như Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng dự kiến sẽ sử dụng than khập khẩu từ Indonesia. Đối với các nhà máy sử dụng than nhập khẩu, do giá thị trường quốc tế luôn biến động nên phải chấp nhận. 

Theo Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013, mức giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ quy định và luôn cố định, trong khi các yếu tố đầu vào lại luôn biến động. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN phải thường xuyên tính toán. Nếu các chi phí đầu vào tăng, thì buộc phải điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng. Ngược lại, nếu chi phí đầu vào giảm thì phải điều chỉnh giá bán điện giảm. Đó là nguyên tắc của giá thị trường. 

PV: Vậy, EVN sẽ có giải pháp gì để kiểm soát các chi phí sản xuất điện?

Ông Đinh Quang Tri: Hiện nay chúng tôi đang kiểm soát các chi phí sản xuất điện bằng cách ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với các nhà máy sản xuất điện, kể cả các nhà máy thuộc EVN. Thời gian hợp đồng từ 20 – 25 năm. Giá là cố định, trừ chi phí nhiên liệu được biến động theo giá thị trường, tức là chúng tôi tính theo suất tiêu hao than, khí hoặc dầu. Khi giá thị trường biến động thì chi phí tiền điện thanh toán cho phần chi phí nhiên liệu đó sẽ được thanh toán biến động theo và có công thức tính cho từng nhà máy, đảm bảo cho các nhà máy phát điện có thể bù đắp được chi phí nhiên liệu mà họ đã sử dụng cho sản xuất điện. 

Đối với các nhà máy nhiệt điện than được Chính phủ giao cho EVN triển khai trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN sẽ sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn, công nghệ có hiệu suất cao nhất với khối lượng tro, xỉ thải ra môi trường thấp nhất và bảo vệ môi trường cao nhất. 

Đồng thời, sắp tới chúng tôi sẽ chuyển từ các nhà máy nhiệt điện đốt than sang nhà máy nhiệt điện khí, sử dụng khí hóa lỏng (LNG). Đặc biệt, các đơn vị thuộc EVN cũng đang tích cực đầu tư và triển khai các dự án điện mặt trời để giảm khí phát thải nhà kính. Việc sử dụng điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện khí sẽ là một tổ hợp tối ưu nhất cho hệ thống điện quốc gia trong tương lai, góp phần bình ổn giá điện và bảo vệ môi trường.

PV: Xin cảm ơn ông! 


  • 29/12/2016 10:06
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 12347